Thứ Ba, 25/11/2014 09:09

Trung tâm Khuyến nông khuyến ngư (KNKN) tỉnh vừa tổ chức Hội thảo nhân rộng mô hình (MH) chăn nuôi heo trên nền đệm lót sinh học tại huyện Hoài Ân. Đây là MH chuyển giao tiến bộ KHKT mới, mang lại hiệu quả cao không chỉ về mặt kinh tế mà còn có hiệu quả về mặt môi trường và mang tính bền vững cao.

 

Khách tham quan MH “Chăn nuôi heo trên nền đệm lót sinh học” tại hộ ông Nguyễn Văn Công.

 

MH được thực hiện tại thị trấn Tăng Bạt Hổ, huyện Hoài Ân và xã Tam Quan Bắc huyện Hoài Nhơn. Quy mô nền chuồng tại mỗi điểm là 40 m2, có 2 hộ tham gia, mỗi hộ nuôi 10 con heo. Các hộ tham gia MH được hỗ trợ 100% kinh phí giống, 30% chi phí vật tư. Trung tâm KNKN và các Trạm KN huyện Hoài Ân, Hoài Nhơn đã tiến hành tập huấn, hướng dẫn các hộ thiết kế xây dựng, cải tạo chuồng trại, chế tạo đệm lót từ các nguyên liệu: trấu, mùn cưa, cám gạo, bột bắp và chế phẩm sinh học Balasa N01.

 

Kết quả, heo sinh trưởng phát triển khá tốt trong môi trường đệm lót, ít nhiễm bệnh, tăng trọng nhanh, đạt 750,5g/con/ngày. Với trọng lượng con giống thả nuôi ban đầu là 16-17 kg/con, chỉ sau 80 ngày nuôi, heo đã đạt trọng lượng bình quân 80-83 kg/con; chi phí thức ăn thấp hơn so với chăn nuôi trên nền xi măng; lợi nhuận thu được của các hộ tham gia MH đạt từ 2,92 đến 3,47 triệu đồng.

 

Ông Nguyễn Văn Công tham gia MH tại thị trấn Tăng Bạt Hổ, cho biết: “Nuôi heo trên nền đệm lót giúp giảm được nhiều công dọn dẹp chuồng trại và tắm rửa cho heo, heo ít bị bệnh. Lứa heo này tôi bớt được 3 triệu đồng chi phí thuốc thú y và hơn 2 triệu đồng tiền điện bơm nước rửa chuồng và tắm cho heo”. Sau khi thực hiện thành công MH, ông Công đã nuôi tiếp 2 lứa heo, mỗi lứa 10 con, thu lãi không dưới 3,5 triệu đồng/lứa. Ở xã Tam Quan Bắc các hộ tham gia MH cũng nhận xét, ngoài việc giảm được công lao động, giảm chi phí sử dụng thuốc thú y, còn giảm đáng kể mùi hôi do quá trình chăn nuôi, giảm được tác nhân gây ô nhiễm môi trường.

 

Có nhiều nông dân ở hai địa phương đã tìm đến học hỏi kinh nghiệm nhất là kỹ thuật chế tạo đệm lót, qua đó tự đầu tư phát triển chăn nuôi; riêng huyện Hoài Ân có không dưới 20 hộ tự đầu tư thực hiện, bước đầu đem lại hiệu quả tích cực.

 

MH này thành công đã mở ra hướng phát triển chăn nuôi an toàn; đặc biệt là chăn nuôi gia trại và nông hộ với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nằm trong khu dân cư, nhờ hoàn toàn không gây mùi hôi, không gây ô nhiễm môi trường. Trong thời gian tới Trung tâm KNKN sẽ nhân rộng mô hình, nhằm phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học và có tính bền vững cao.

 

Theo Báo Bình Định ngày 23/11/2014




Tin cũ hơn: