Thứ Sáu, 27/03/2015 08:43

Chăn nuôi heo, gà theo kiểu truyền thống ngày càng bộc lộ nhiều rủi ro, do dịch bệnh diễn biến phức tạp. Trước tình hình này, mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, ứng dụng đệm lót sinh học đã mở ra một hướng đi đúng đắn, nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường sống, giảm bớt rủi ro cho người chăn nuôi, hướng tới chăn nuôi sạch.

 

Nuôi heo trên đệm lót sinh học

 

 

Ông Nguyễn Văn Bi, ấp Hòa Lạc, xã Hòa Định, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang cho biết, gia đình ông đang canh tác 7.500 m2 vườn dừa, nuôi 5 con heo nái và 40 con heo thịt. Trước kia do chăn nuôi theo tập quán địa phương nên heo thường xảy ra bệnh về đường ruột, đường hô hấp chủ yếu trên heo cai sữa vào mùa lạnh. Tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp, giá thức ăn luôn tăng trong khi đó đầu ra không ổn định. Từ khi thực hiện mô hình chăn nuôi heo ứng dụng đệm lót sinh học theo sự vận động của cán bộ khuyến nông, môi trường ít bị ô nhiễm, dịch bệnh giảm.

 

Việc đẩy mạnh phát triển chăn nuôi an toàn sinh học, ứng dụng các tiến bộ khoa học nhằm tạo ra sản phẩm an toàn dịch bệnh. Trong đó việc ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi gia súc, gia cầm đã khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, hạn chế dịch bệnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao, do tiết kiệm được chi phí sản xuất như nước sử dụng, công lao động và thuốc thú y.

 

Áp dụng mô hình nuôi heo ứng dụng đệm lót sinh học giúp đàn heo phát triển tốt, da lông bóng mượt, giảm chi phí điện nước, thuốc thú y từ 200 - 300 ngàn đồng/con, chất thải chăn nuôi không gây ô nhiễm môi trường, giảm 50% công lao động chăm sóc. Mặt khác, đệm lót sau khi sử dụng làm phân bón hữu cơ cho cây trồng rất tốt. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của mô hình khi ứng dụng đại trà là nguồn nguyên liệu mùn cưa rất khó tìm.


"Có thể thấy mô hình này rất có hiệu quả. Cách làm, cách sử dụng đệm lót sinh học không phức tạp, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và lớn đều có thể áp dụng được. Trung tâm Khuyến nông và các ngành cần tổ chức hội thảo, tham quan các mô hình chăn nuôi heo bằng đệm lót sinh học khác, để bản thân tôi và bà con chăn nuôi có cơ hội học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, từ đó nhân rộng mô hình này trong thời gian tới" - ông Nguyễn Văn Bi đề xuất.

 

Nuôi gà an toàn sinh học

 

 

Tương tự như nuôi heo, mô hình nuôi gà an toàn sinh học ứng dụng đệm lót sinh học cũng cho kết quả hết sức khả quan. Ông Phạm Tấn Tài, sinh năm 1972, ở TX Gò Công chia sẻ: "Gia đình tôi ngoài việc làm ruộng lúa, thì kinh tế gia đình còn nhờ vào chăn nuôi như nuôi bò thịt, nuôi gà và nhiều năm liền tôi nuôi gà với quy mô 500 - 1.000 con gà ta Gò Công, nhằm cải thiện cuộc sống và tăng thu nhập cho gia đình. Tuy nhiên, trong quá trình chăn nuôi tôi mất khá nhiều công sức cho việc vệ sinh chuồng trại dọn dẹp phân gà, nhất là các tháng mùa mưa từ tháng 8 - 11 do ẩm độ không khí cao làm bốc mùi hôi thối, ruồi nhặng bu bám, gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, nhiều khí độc còn tồn tại lâu ngày trong chuồng nuôi, làm ảnh hưởng đến sức khỏe đàn gà, tạo điều kiện cho mầm bệnh phát sinh gây bệnh như bệnh E.coli, CCRD, thương hàn, cầu trùng... Đây là lý do làm tăng chi phí sản xuất do tốn tiền thuốc thú y để trị bệnh cho gà, mà đàn gà con chậm phát triển".

 

Đầu tháng 6/2014, gia đình ông Tài được tham gia dự án chăn nuôi gà an toàn sinh học ứng dụng đệm lót sinh học của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, với quy mô 1.000 con. Cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông đã hướng dẫn về quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, ủ men BALASA-N01 làm đệm lót sinh học trên trại gà. Cụ thể, với diện tích 100 m2 cần chất độn chuồng là trấu khoảng 15m3, 28 kg cám xay và 4kg men BALASA-N01. Sau khi ủ men với cám xay được 3 ngày tuổi thì đem rắc đều lên chất độn chuồng, như vậy sau 3,5 tháng nuôi đến gà xuất chuồng mới vệ sinh chuồng trại.

 

Theo ông Phạm Tấn Tài, mô hình chăn nuôi gà an toàn sinh học ứng dụng đệm lót sinh học cho thấy, tỷ lệ nuôi sống đàn gà đạt 96%, trọng lượng xuất chuồng bình quân 1,7 kg/con, giá bán 65.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí lợi nhuận đạt được 23 triệu đồng/1.000 con gà. Song song, gia đình ông Tài còn tăng thêm thu nhập từ việc ứng dụng đệm lót sinh học khoảng 5 triệu đồng do giảm chi phí thuốc thú y, tiêu tốn thức ăn, công vệ sinh chuồng trại nhưng gà vẫn phát triển tốt. Điều đáng kể nhất là khắc phục được ô nhiễm môi trường, giảm thiểu ảnh hưởng đến sức khỏe gia đình và cộng đồng xã hội.


Theo báo cáo năm 2014 của Trung tâm Khuyến nông Tiền Giang, trong năm Trung tâm Khuyến nông đã xây dựng mô hình chăn nuôi an toàn sinh học ứng dụng đệm lót sinh học trên gà, với 12 hộ tham gia trên quy mô 2.000 m2, 12.000 con gà; mô hình chăn nuôi heo an toàn sinh học với 12 hộ chăn nuôi heo trên quy mô 180 m2 và 120 con heo. Mô hình đã giúp nông dân ứng dụng hiệu quả kỹ thuật làm đệm lót sinh học trong chăn nuôi; đồng thời làm cho tỷ lệ mắc bệnh, đặc biệt là bệnh đường ruột và hô hấp giảm từ 50 - 70%, từ đó làm giảm chi phí sử dụng thuốc thú y, giảm dùng điện, nước 80% để làm vệ sinh chuồng trại, giảm 70% chi phí thay chất lót chuồng nuôi gia cầm và giảm 10% công lao động.

 

Qua đánh giá hiệu quả kinh tế của các mô hình, nếu chăn nuôi theo mô hình ứng dụng đệm lót sinh học sẽ giảm chi phí sản xuất mỗi vụ bình quân 300 - 500 đồng/con đối với nuôi heo thịt và từ 2 - 5 triệu đồng/1.000 con gà đối với nuôi gà thịt, do đó, lợi nhuận thu được mỗi vụ sẽ là 500 - 800 ngàn đồng/con heo hơi sau 4 tháng nuôi (khoảng 100 con/kg) và 20 triệu đồng/1.000 con gà. Mặt khác, đệm lót sau khi sử dụng còn làm phân bón hữu cơ cho cây trồng. Mô hình góp phần bảo vệ môi trường và hình thành vùng chăn nuôi an toàn sinh học, ứng dụng đệm lót sinh học, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hướng tới chăn nuôi sạch.

 

Theo Báo Tiền Giang ngày 23/3/2015

 




Tin cũ hơn: