Thứ Sáu, 05/06/2015 15:10
Ngày 3/6, tại Hà Nội, Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT phối hợp với Dự án Cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm (LIFSAP) tổng kết hoạt động triển khai quy trình thực hành chăn nuôi tốt cho chăn nuôi lợn, gà an toàn trong nông hộ.
Theo ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, quy trình chăn nuôi tốt của dự án đã giúp nâng cao hiệu quả sản xuất của những người chăn nuôi theo quy mô hộ gia đình, giảm thiểu tác động môi trường của hoạt động chăn nuôi, tăng cường vệ sinh an toàn thực phẩm.
Dự án đã giúp tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, trong đó có giá thành sản phẩm chăn nuôi hay xây dựng được mối liên kết, tạo chuỗi sản xuất trong chăn nuôi nông hộ.
Sau hơn 4 năm triển khai, dự án đã hỗ trợ trang thiết bị an toàn sinh học cho 9.856 hộ, chiếm 88% số hộ GAHP (khuyến khích thực hành chăn nuôi an toàn trong vùng ưu tiên), hỗ trợ sửa chữa chuồng trại cho trên 6.500 hộ thành viên GAHP và 529 hộ hình mẫu, hỗ trợ trang thiết bị chăn nuôi cho gần 7.000 hộ. Tỷ lệ hộ chăn nuôi được hỗ trợ cải thiện môi trường đạt gần 94%, vượt xa mức 70% dự án đặt ra.
Theo ông Nguyễn Xuân Anh Tuấn, Phó Giám đốc dự án LIFSAP, mặc dù thực hiện trong thời gian chưa dài, nhưng dự án đã có những thành công bước đầu, với các chỉ số thực hiện đạt được như: Giảm tỷ lệ chết xuống còn 11,8%, hiệu quả kinh tế tăng từ 9-23%, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh cho những hộ chăn nuôi theo mô hình GAHP và khẳng định tính đúng đắn khi áp dụng quy trình GAHP.
Nhận thức của người chăn nuôi trong việc tạo ra sản phẩm chăn nuôi có chất lượng và năng suất cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm không ngừng được cải thiện nâng cao.
“Tuy nhiên, từ thay đổi nhận thức đến thay đổi hành vi là một quy trình, do vậy, cần có thời gian đủ dài để những tác động này có hiệu quả thực tế”, ông Nguyễn Xuân Anh Tuấn nhấn mạnh.
Để nâng cao hiệu quả đầu tư của dự án, tăng cường tính bền vững thông qua các kết quả đã đạt được, ông Tuấn cho rằng, cần tiếp tục phát huy và nhân rộng các kết quả này, trên địa bàn các tỉnh tham gia dự án, cũng như có thể nhân rộng trên các địa phương khác, thay đổi hành vi và thái độ của các bên liên quan ở tất cả các cấp đối với an toàn thực phẩm trong sản xuất.
Ông Tuấn cũng đề nghị Cục Chăn nuôi phối hợp với dự án, các đơn vị liên quan hoàn thiện 2 quy trình thực hành chăn nuôi tốt cho chăn nuôi lợn, gà an toàn trong nông hộ và quy trình đánh giá cấp giấy chứng nhận sản phẩm chăn nuôi theo quy trình VietGAP nông hộ, trên cơ sở đó xem xét để thực hiện trên phạm vi cả nước.
Dự án LIFSAP do Ngân hàng Thế giới tài trợ với tổng số vốn 79,03 triệu USD, thực hiện trên 12 tỉnh, thành phố (Cao Bằng, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Lâm Đồng, Đồng Nai, Long An và TPHCM).
Nguồn Báo Điện Tử Chính Phủ ngày 04/6/2015