Thứ Sáu, 14/08/2015 10:02

Nuôi heo kết hợp xử lý chất thải bằng hầm ủ khí sinh học biogas là mô hình không mới, nhưng người dân vùng ven biển huyện Đông Hải, Bạc Liêu áp dụng rất thành công.

 

Chị Ngoan trao đổi kỹ thuật cùng cán bộ khuyến nông

 

Mô hình này được khẳng định là hướng SX bền vững, góp phần làm ổn định sinh thái, hạn chế ô nhiễm môi trường từ chất thải chăn nuôi, giảm công lao động, giảm chi phí sinh hoạt, tăng thêm thu nhập.


Gia đình chị Ngô Diệu Ngoan ở ấp Quyết Chiến, xã Định Thành A, huyện Đông Hải có kinh nghiệm chăn nuôi heo trên 10 năm. Tuy nhiên việc xử lý chất thải từ chăn nuôi rất khó khăn, tốn nhiều công sức, môi trường ô nhiễm và làm ảnh hưởng đến những hộ xung quanh, nhất là hiện nay đang hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới. Chị Ngoan bắt đầu thực hiện hệ thống xử lý chất thải bằng hầm khí sinh học (biogas) gần 2 năm, với thể tích 8 m3, bằng bê tông, tổng chi phí 7 triệu đồng.


Với quy mô 100 m2 chuồng trại, nuôi 8 heo nái, 1 heo nọc hàng năm xuất chuồng gần 2 lứa heo con, khoảng 100 con heo giống, giá bán 100 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí lợi nhuận gần 90 triệu đồng. Chị Ngoan cho biết, trước đây chưa xây hầm biogas việc xử lý chất thải rất khó khăn nhất là vào mùa khô phải xúc phân đem phơi cho giảm bớt mùi hôi, tốn nhiều công lao động.


Từ ngày có hệ thống biogas đến nay mỗi ngày chỉ vệ sinh chuồng 2 lần là không còn mùi hôi như trước. Và một cái lợi nữa là khí gas từ biogas dùng cho sinh hoạt rất thoải mái, giảm được một phần chi tiêu. Anh Nguyễn Minh Vương ở ấp 1, xã An Trạch A, huyện Đông Hải, có 5 năm nuôi heo thương phẩm và trên 2 năm xử lý chất thải bằng hầm biogas, với quy mô 17 con, mỗi năm xuất được 3 lứa, khoảng 5 tấn heo hơi, trừ chi phí lợi 40 - 50 triệu đồng.


Anh Vương chia sẻ, từ khi nuôi heo kết hợp xử lý chất thải chăn nuôi bằng hầm biogas thì việc vệ sinh tốt hơn trước nhiều, gia đình giảm được hơn 300 ngàn đồng/tháng tiền khí đốt cho sinh hoạt hàng ngày. "Chỉ cần duy trì trong chuồng còn 2 con heo là đủ khí gas cho sinh hoạt, môi trường cũng được đảm bảo. Từ 2 năm nay không phiền hà đến bà con xung quanh. Nuôi heo thịt thì công chăm sóc đơn giản hơn nuôi heo nái, lợi nhuận cũng thấp hơn, năm nay tôi nuôi 3 con nái cho sinh sản lấy heo con nuôi heo thịt thì hiệu quả cao hơn", anh Vương nói. Ông Lê Hoàng Văn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đông Hải nhận định, mô hình chăn nuôi heo kết hợp xử ký chất thải bằng hầm ủ biogas rất hiệu quả về kinh tế và xã hội, cần được nhân rộng trong những năm tiếp theo, đáp ứng một trong những tiêu chí xây dựng nông thôn mới.


Theo TS. Nguyễn Xuân Khoa, GĐ Trung tâm KN-KN Bạc Liêu, để sử dụng hầm ủ biogas được lâu dài và hiệu quả cần lưu ý những điểm sau: Người chăn nuôi phải theo dõi hệ thống hầm đảm bảo lượng nước vừa phải, hệ thống vô phân và thoát nước phải luôn thông suốt; Hệ thống dẫn gas không bị nghẹt do nước đóng và 2 - 3 năm mở nắp hầm lấy xác phân ứ đọng để thể tích chứa phân và khí được nhiều hơn;  Không cho các loại dầu mỡ, chất mặn, các chất độc hại vào hầm để hệ thống vi sinh hoạt động tốt thì gas mới nhiều, không dùng lửa để kiểm tra khi thấy có mùi hôi của gas rò rỉ. Phải sử dụng nước xà bông (xà phòng) để kiểm tra, đảm bảo an toàn cháy nổ.


Theo Báo Nông Nghiệp Việt Nam ngày 11/08/2015




Tin cũ hơn: