Thứ Bảy, 31/10/2015 09:08

Cơ hội vàng để ngành chăn nuôi Việt Nam tái cơ cấu trong thời gian tới đã được chia sẻ tại Hội thảo quốc tế “Ngành chăn nuôi Việt Nam trong hội nhập kinh tế, chia sẻ kinh nghiệm – định hướng tương lai” diễn ra ngày 27/10 tại Hà Nội.

 

Ông Tôn Thất Sơn Phong, Giám đốc Dự án Cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm (LIFSAP) đã chia sẻ tại hội thảo: LIFSAP được thực hiện trên địa bàn 12 tỉnh/ thành phố (Hà Nội, Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Cao Bằng, Thanh Hóa, Nghệ An, Lâm Đồng, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh và Long An) đã đạt được nhiều thành công dù gặp một số khó khăn do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, giá cả sản phẩm chăn nuôi không ổn định.

 

Cụ thể, sau hơn 5 năm thực hiện, mô hình sản xuất chăn nuôi lợn theo quy trình VietGap nông hộ do Dự án xây dựng và lần đầu tiên được áp dụng thử nghiệm tại Việt Nam đã phát huy hiệu quả thiết thực đối với chăn nuôi quy mô nông hộ. Hơn 11 nghìn hộ chăn nuôi lợn áp dụng quy trình VietGAP đã cung cấp hàng năm hơn 56 nghìn tấn thịt lợn hơi đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm. Còn các hộ nông dân thu về lợi nhuận hàng năm tương đương 498 tỷ đồng, cao hơn các hộ chăn nuôi thông thường không áp dụng VietGAP khoảng 298 tỷ đồng.

 

Hội thảo quốc tế “Ngành chăn nuôi Việt Nam trong hội nhập kinh tế,

chia sẻ kinh nghiệm – định hướng tương lai”.

 

Ghi nhận những thành công của ngành chăn nuôi tại Việt Nam, ông Võ Thành Sơn, chuyên gia cao cấp Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho biết: Trong thời gian tới, khi các hoạt động chăn nuôi được mở rộng ra và nâng quy mô lên thì vai trò của tư nhân sẽ gánh vác trách nhiệm này. Còn Chính phủ sẽ làm hoạch định chính sách. Khi đó, ưu tiên trọng tâm chính của WB sẽ là hỗ trợ về an toàn thực phẩm, giúp nông dân xây dựng các sản phẩm: sạch hơn, an toàn hơn và xanh hơn. Bởi vì, thực hiện an toàn thực phẩm sẽ tác động ngược lại đến chuỗi sản xuất, trong đó có an toàn trong chăn nuôi. “Khi người nông dân có nhiều lựa chọn thì sẽ chọn sản phẩm an toàn dù giá thành có cao hơn”, ông Võ Thành Sơn nói.

 

Khi chuyển đổi mô hình sản xuất thì sinh kế của người nông dân sẽ ra sao? Đó là mối quan tâm của Cố vấn trưởng tổ chức Nông lương Thế giới (FAO), TS Scott Newman nêu ra tại hội thảo.

 

Theo TS Scott Newman, kế hoạch tái cơ cấu phải xem xét sản phẩm trên cả chuỗi giá trị. Trong đó, vấn đề xây dựng hệ thống dữ liệu để có thể truy xuất được mô hình sản xuất là đáng quan tâm. Trong truy xuất nguồn gốc cần quan tâm đến các hộ sản xuất, kể cả hộ sản xuất nhỏ lẫn hộ sản xuất lớn.

 

TS Ma Lucila Lapar phân tích, để nâng cao vị thế của lĩnh vực chăn nuôi trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng cần các biện pháp đồng bộ như sau: Tập trung vào các biện pháp nâng cao năng suất đầu ra thông qua công nghệ mới sẽ làm giảm chi phí sản xuất; Tăng cường vai trò của thị trường để phân biệt chất lượng các sản phẩm đầu ra và áp dụng ưu đãi giá cho các sản phẩm chất lượng cao; Nâng cao năng lực, thể chế hóa “luật chơi” giữa trung gian thị trường và nông hộ, mang lại động lực cho việc”xây dựng lòng tin và uy tín”; Thực hiện các chương trình và biện pháp giúp người nông dân cải thiện chất lượng cuộc sống và khắc phục những hạn chế về nguồn lực.

 

Theo Báo Nông Nghiệp ngày 29/10/2015




Tin cũ hơn: