Thứ Tư, 02/12/2015 10:31
Lĩnh vực chăn nuôi không ngừng phát triển trong những năm qua, trong đó mô hình chăn nuôi heo được nhiều nông dân lựa chọn và được xem là thu nhập chính của gia đình. Con heo cũng được huyện xác định là một trong những giống vật nuôi chủ lực trong thời gian tới.
Ngành Chăn nuôi của huyện Gò Công Tây thời gian qua đã có bước phát triển khá mạnh, giải quyết cơ bản nguồn thực phẩm (thịt, trứng, sữa) cho nhu cầu đời sống của nhân dân, góp phần chuyển đổi các phụ, phế phẩm của trồng trọt thành thực phẩm có giá trị cao phục vụ đời sống con người; đồng thời góp phần giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho nông dân.
Biểu đồ phát triển ngành Chăn nuôi heo của huyện Gò Công Tây, giai đoạn (2009 - 2015)
Trong đó, mô hình chăn nuôi heo phát triển khá nhanh và được xem là một trong những mô hình được nhiều hộ dân trên địa bàn huyện chọn nuôi hiện nay. Phần lớn chăn nuôi heo nông hộ, một số địa bàn có chăn nuôi heo tập trung với quy mô nhỏ được phân bố chủ yếu tại các xã Bình Nhì, Thạnh Nhựt, Vĩnh Hựu...
Theo UBND huyện Gò Công Tây, tổng đàn heo trên địa bàn huyện năm 2010 có 81.010 con, tăng 1,28 lần so với năm 2009. Do từ tháng 7-2010 đến tháng 10-2010 dịch bệnh tai xanh xảy ra nên tổng đàn năm 2011 giảm còn 76.327 con; giai đoạn 2012 - 2013 tăng 3,83%. Năm 2014 tổng đàn heo đạt 81.000 con, tăng 1,21% so với năm 2013. Đến nay, tổng đàn heo trên địa bàn huyện khoảng 85.000 con.
Những năm gần đây nuôi heo phát triển khá nhanh trên địa bàn huyện, do chất lượng giống được cải thiện và áp dụng kỹ thuật mới. Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện, đến năm 2013 các giống heo ngoại và giống heo lai chiếm 95% tổng đàn (heo ngoại: 5%, heo lai: 90%).
Các giống heo ngoại chủ yếu là Yorkshire, Landrace, Duroc và Pietrain; giống thường được sử dụng làm dòng cái là Yorkshire và Landrace, dòng đực là Yorkshire, Duroc và Pietrain để tạo các con lai nuôi thương phẩm 2, 3 hoặc 4 máu.
Ngoài ra, còn có heo lai 2 hoặc 3 máu ngoại với giống địa phương (chiếm khoảng 5%), thích nghi với điều kiện sinh thái và tập quán chăn nuôi của địa phương. Trên địa bàn huyện có 16 cơ sở nuôi heo đực giống với tổng đàn 109 con. Các giống chủ yếu: Yorkshire, Landrace, Duroc, Pietrain. Thêm vào đó, thời gian qua, nhờ chương trình chăn nuôi heo hướng nạc góp phần cải thiện chất lượng và cung cấp giống tại địa phương.
Từ giống heo Ba Xuyên, Thuộc Nhiêu nhiều mỡ, tăng trọng thấp đã được thay thế bằng giống heo ngoại, heo lai 2, 3 hoặc 4 máu, có tỷ lệ nạc cao (Yorkshire, Landrace, Duroc, Pietrain...) góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giống vật nuôi và sản phẩm chăn nuôi nên được người dân ưa chuộng.
Các tiến bộ kỹ thuật mới đã được chuyển giao, áp dụng giúp chăn nuôi heo phát triển theo hướng trang trại, công nghiệp; sử dụng thức ăn hỗn hợp; chuồng lồng, chuồng mát; đệm lót sinh học, quy trình phòng, chống dịch bệnh tiên tiến..., vì vậy tổng đàn heo trên địa bàn huyện có chiều hướng phát triển qua từng năm.
Tuy nhiên, đến nay hình thức chăn nuôi heo truyền thống, phân tán nhỏ lẻ trong các hộ gia đình vẫn là chủ yếu, còn tận dụng phế phẩm nông - công nghiệp để làm thức ăn chăn nuôi, chất lượng và số lượng con giống chưa ổn định... nên năng suất và chất lượng chưa cao.
Không ít hộ gia đình chăn nuôi nhưng chưa đăng ký trong khâu tiêm ngừa, phòng bệnh. Đối với heo, các bệnh thường xảy ra là tiêu chảy, thủy thủng do E. coli, tụ huyết trùng, phó thương hàn, bệnh dịch tả heo....
Tháng 7 đến tháng 10-2010 dịch tai xanh trên heo lại xảy ra và phải tiêu hủy chiếm 11,15% tổng đàn, gây thiệt hại lớn cho các hộ chăn nuôi. Trong năm 2011 bệnh lở mồm long móng đã xảy ra trên địa bàn huyện. Qua tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi đã dần nâng cao ý thức về phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên, bệnh tai xanh ở heo, lở mồm long móng trên gia súc đang còn là nguy cơ tiềm ẩn, có khả năng tái phát rất cao.
Đây là thách thức lớn đối với chăn nuôi, đe dọa sự phát triển trong nhiều năm tiếp theo nếu như không có biện pháp phòng, chống hữu hiệu. Mặt khác, hệ thống quản lý công tác giống các cấp chưa được tổ chức chặt chẽ, các cơ sở sản xuất tinh heo và nuôi heo đực giống chưa đăng ký hoạt động, đội ngũ cán bộ kỹ thuật còn hạn chế về số lượng và tay nghề, trang thiết bị kỹ thuật còn thiếu; việc xử lý nước thải còn nhiều khó khăn và thường gây ô nhiễm môi trường, chỉ một số hộ chăn nuôi có sử dụng biogas, phần còn lại xử lý bằng ao lắng hoặc xả thẳng ra vườn, các mương thoát trong khu dân cư... gây ô nhiễm môi trường.
Ông Nguyễn Thanh Hoàng, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết: Những năm qua, công tác Thú y của huyện nói chung và chăn nuôi heo nói riêng tuy đã đạt được những thành tựu đáng kể, nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thực tế, nhất là trong giai đoạn mà sự quan tâm của cộng đồng đối với dịch bệnh gia súc, gia cầm và vệ sinh an toàn thực phẩm chưa cao. Nhiều người dân trên địa bàn huyện đã cải thiện cuộc sống nhờ chăn nuôi heo.
Huyện cũng đã lập Đề án quy hoạch phát triển ngành Chăn nuôi giai đoạn 2015 - 2020 theo hướng tập trung, chuyên môn hóa, trong đó heo được xác định là vật nuôi chủ lực của huyện giai đoạn 2015 - 2020. Thời gian tới, huyện sẽ từng bước cụ thể hóa Đề án này.
Ảnh minh họa
Trước mắt Phòng NN&PTNT huyện sẽ tham mưu lãnh đạo huyện tập trung chỉ đạo việc củng cố hệ thống thú y từ huyện đến xã, nhất là nâng cao vai trò của các đoàn thể tại cơ sở trong công tác giám sát, tiêu độc, khử trùng nhằm góp phần phòng, chống, khống chế dịch bệnh kịp thời khi xảy ra, không để phát tán ra diện rộng và giảm thiệt hại đối với một số bệnh nguy hiểm thường xảy ra trên heo...
Song song đó, thực hiện tốt công tác kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y trên địa bàn; tăng cường công tác khuyến nông để chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho người chăn nuôi thông qua các cuộc tập huấn, hội thảo, trình diễn kỹ thuật, tham quan học tập.
Chương trình đào tạo nghề cho nông thôn sẽ chú trọng đào tạo theo chiều sâu, học đi đôi với thực hành, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hộ nông dân chăn nuôi thành công. Đối với việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi trong những năm qua còn nhiều hạn chế, chưa tạo được liên kết trong tiêu thụ, người chăn nuôi còn phụ thuộc rất lớn vào thương lái.
Nguyên nhân do chăn nuôi phân tán, ít tập trung, giá cả do thương lái quyết định, làm ảnh hưởng đến đầu ra của sản phẩm. Vì vậy, bên cạnh việc khuyến khích người chăn nuôi thực hiện theo quy hoạch chăn nuôi của huyện, Phòng NN&PTNN sẽ tham mưu lãnh đạo huyện tập trung nghiên cứu các giải pháp thu hút doanh nghiệp về địa phương đầu tư nhằm giải quyết sản phẩm đầu ra cho người chăn nuôi.
Đối với công tác xử lý chất thải và vệ sinh môi trường trong chăn nuôi, sẽ khuyến khích người dân chăn nuôi tập trung quy mô vừa, bởi so với chăn nuôi phân tán, chăn nuôi quy mô nhỏ thì chăn nuôi tập trung quy mô vừa và lớn ít gây ô nhiễm môi trường hơn do được xây dựng tách biệt với khu dân cư và có hệ thống xử lý chất thải hoàn chỉnh.
Đối với những hộ chăn nuôi nhỏ, yêu cầu người nuôi thu gom phân và dội rửa chuồng 2 lần/ngày, phân heo thu gom ủ bán hoặc sử dụng cho cây trồng đảm bảo hợp vệ sinh; đồng thời huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn, vận động nhân dân xử lý chất thải và vệ sinh môi trường trong chăn nuôi đối với những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, nhất là tập trung thực hiện tốt chính sách hỗ trợ xây dựng hầm biogas… từng bước khắc phục những hạn chế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nông dân chăn nuôi phát triển ổn định, vươn lên làm giàu, đặc biệt là góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn huyện nhanh và hiệu quả.
Theo Báo Ấp Bắc ngày 30/11/2015