Thứ Hai, 12/09/2016 14:01
Ðầu tháng 9 đến nay, nhiều trang trại, gia trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Bình Định bắt đầu thả giống nuôi tái đàn với số lượng lớn, nhằm phục vụ nhu cầu thực phẩm cuối năm. Ðáng mừng là giá gia súc, gia cầm (GSGC) thời gian qua ổn định, tạo yên tâm cho người chăn nuôi.
Thời điểm này, hầu hết các trang trại, gia trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh bắt đầu nhập con giống với số lượng lớn. Hiện thị trường thịt GSGC đang có sự khởi sắc đáng kể, dịch bệnh được kiểm soát tốt, góp phần kích thích người chăn nuôi đầu tư lớn cho sản xuất vụ cuối năm.
Đàn gia cầm tại một gia trại chăn nuôi ở xã Phước Hiệp (huyện Tuy Phước).
Hối hả vào vụ
Bà Trần Thị Hà, chủ một gia trại chăn nuôi heo ở thôn Phú Mỹ, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước, cho biết: “Trong năm nay, nhờ thị trường Trung Quốc tiêu thụ heo thịt mạnh nên giá heo ổn định ở mức cao (duy trì ở mức từ 43.000 - 52.000 đồng/kg hơi), người chăn nuôi có lãi khá. Gia đình tôi vừa đầu tư mở rộng thêm chuồng trại để nuôi lứa cuối năm. Theo kinh nghiệm chăn nuôi nhiều năm của tôi, giá heo sẽ tiếp tục ổn định trong thời gian tới do nhu cầu thị trường tăng cao”.
Ông Võ Ngọc Lâm, cán bộ kỹ thuật Công ty cổ phần Chăn nuôi CP tại Bình Định, cho biết: "Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thực phẩm cuối năm, hiện các trang trại chăn nuôi gia công của đơn vị tại Tây Sơn, An Nhơn, Phù Cát đã nhập đàn heo giống trên 5.400 con và đàn gà hơn 70.000 con. Nhờ chú trọng chất lượng con giống, tiêm vắc-xin phòng bệnh chặt chẽ, nên đàn heo, gà của công ty đang phát triển tốt, hứa hẹn vụ chăn nuôi thắng lợi".
Theo khảo sát, do nhu cầu con giống phục vụ chăn nuôi tái đàn khá lớn, hiện giá heo giống tại các địa phương trong tỉnh đã nhích lên ở mức khá cao. Heo giống từ 4 - 7 kg đang ở mức từ 100 - 110 ngàn đồng/kg; heo giống từ 10 - 14 kg/con giá từ 70.000 - 74.000 đồng/kg. Giá gà ta giống cũng tăng từ 15.000 đồng/con lên mức 19.000 đồng/con nhưng không đủ nguồn cung cho người chăn nuôi.
Ông Cao Văn Khanh, Giám đốc Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh (xã Cát Tân, huyện Phù Cát), cho biết: "Đầu tháng 9 đến nay, nhu cầu gà giống của người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh tăng khá mạnh do hầu hết các trang trại, gia trại đều nhập gà giống về nuôi phục vụ thị trường cuối năm. Thời điểm này, mỗi tháng, cơ sở gà giống của tôi cung ứng từ 1,4 - 1,8 triệu con gà giống, giá 19.000 đồng/con. Tuy nhu cầu con giống phục vụ cho người chăn nuôi khá lớn, nhưng công ty vẫn giữ ổn định giá bán. Công ty có đàn gà ta bố mẹ trên 200 ngàn con để đáp ứng nhu cầu chăn nuôi cho các trang trại, gia trại trong và ngoài tỉnh".
Tích cực phòng, chống dịch bệnh GSGC
Theo Sở NN&PTNT, giá GSGC ổn định ở mức cao đã kích thích người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh mạnh dạn tái đàn. Tuy nhiên, nếu không có biện pháp chủ động phòng chống dịch bệnh GSGC, nguy cơ tái phát dịch bệnh là rất cao. Do vậy, cùng với việc tái đàn, người chăn nuôi cần đề cao cảnh giác trong công tác phòng, chống dịch, để đảm bảo hiệu quả chăn nuôi. Ngành Nông nghiệp tỉnh cũng đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi - Thú y đẩy mạnh tiêm phòng để tăng sức đề kháng cho đàn vật nuôi.
Ông Lê Ngọc Pháp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y, cho biết: “Từ đầu tháng 8, lực lượng Thú y đã ra quân tiêm phòng đợt 2 năm 2016 cho đàn GSGC. Đến nay, đã tiêm phòng vắc-xin cúm gia cầm cho trên 2 triệu con gà, vịt; đồng thời, đang đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng vắc-xin lở mồm long móng cho đàn gia súc. Trong điều kiện thời tiết ở tỉnh ta đang giai đoạn chuyển mùa, lực lượng Thú y cũng đã thường xuyên tổ chức phun thuốc tiêu độc sát trùng chuồng trại, các ổ dịch cũ, các chợ đầu mối mua bán GSGC để ngăn ngừa dịch bệnh tái phát”.
Để giúp người chăn nuôi phát triển sản xuất, cân đối cung cầu thực phẩm, ổn định thị trường cuối năm, Chi cục Chăn nuôi - Thú y đã tham mưu Sở NN&PTNT có chính sách hỗ trợ người chăn nuôi tái đàn, khôi phục đàn GSGC; chú trọng bố trí đủ nguồn con giống chất lượng tốt; kiểm soát chặt chẽ tình hình sản xuất, kinh doanh về giống, thức ăn, thuốc thú y trên địa bàn. Đồng thời, cán bộ thú y hướng dẫn người chăn nuôi có giải pháp tiết kiệm, giảm chí phí đầu vào cho sản xuất, tăng cường sử dụng nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tại chỗ.
Theo ông Lê Ngọc Pháp, để chăn nuôi hiệu quả, tránh dịch bệnh GSGC bùng phát, người chăn nuôi cần chủ động chăm sóc, bảo vệ đàn vật nuôi; thực hiện đầy đủ các hướng dẫn, khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn, hợp tác chặt chẽ với cơ quan Thú y để tiêm phòng cho đàn GSGC. Vào mùa mưa lũ, chủ động đưa đàn trâu bò thả rông trên núi về nuôi nhốt tại chuồng, tích cực phòng, chống rét cho đàn vật nuôi bằng cách che chắn chuồng trại tránh mưa tạt, gió lùa, giữ ấm cho vật nuôi. Đồng thời, tăng cường dinh dưỡng, tăng khẩu phần thức ăn, bổ sung vitamin và các khoáng chất cho vật nuôi nhằm tăng sức đề kháng, chống chịu rét, dịch bệnh; thường xuyên vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại; chú trọng tiêm phòng bổ sung cho vật nuôi mới…
Giá gia súc, gia cầm ổn định ở mức cao đã kích thích người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh mạnh dạn tái đàn. Tuy nhiên, nếu không có biện pháp chủ động phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, nguy cơ tái phát dịch bệnh là rất cao.
(Theo Báo Bình Định ngày 8/9/2016)