Thứ Tư, 06/08/2014 14:01
Cà Mau là tỉnh thuần nông, với nhiều lợi thế về sản xuất nông nghiệp lẫn chăn nuôi, tuy nhiên, thời gian qua quản lý, định hướng phát triển lĩnh vực này vẫn còn bỏ ngỏ. Một số loại gia cầm bản địa đang ngày một mất gốc. Trong đó, giống gà Tàu vàng chất lượng cao, được ưa chuộng đang được khôi phục và định hướng mở rộng, hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội mới cho nông dân.
Nhiều ưu thế
Phó Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp (TTGNN) tỉnh Chung Hữu Nghị cho biết: “Ðây là một trong những dự án nhằm phục hồi, gầy dựng lại giống gà bản địa chất lượng cao mang thương hiệu của tỉnh Cà Mau. Từ đề tài “Phục tráng và xây dựng mô hình chăn nuôi gà Tàu vàng tại Cà Mau”, được triển khai vào năm 2012 do Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau phối hợp Trường Ðại học Cần Thơ và TTGNN tỉnh thực hiện, TTGNN tỉnh xây dựng dự án nhân rộng mô hình chăn nuôi gà Tàu vàng.
Giống gà Tàu vàng được nuôi thử nghiệm tại Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh
đang phát triển rất tốt và hứa hẹn nhiều kết quả khả quan.
Với nhiều ưu thế, thích nghi tốt với điều kiện môi trường, sinh thái ở Cà Mau, cùng với đặc tính chân vàng, da vàng, tầm vóc lớn, chất lượng thịt thơm, ngon, gà Tàu vàng đang thật sự là sự lựa chọn phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Ngoài ra, với tính thích ấp, nuôi con giỏi, gà Tàu vàng rất phù hợp với mô hình chăn nuôi nông hộ, tận dụng được nguồn thức ăn phong phú sẵn có của địa phương, giảm chi phí đầu tư, ít tốn công chăm sóc, ít dịch bệnh, chất lượng thịt, trứng cao hơn các giống gà khác, giá thành bán ra sẽ cao hơn, ổn định và mang tính bền vững.
Dự án được tiến hành 2 giai đoạn, hiện giai đoạn 1 đang thực hiện nuôi dưỡng thí nghiệm 200 con gà Tàu vàng phục tráng sinh sản tại TTGNN tỉnh. Và đang tiếp tục khảo sát chỉ tiêu về sinh sản, tăng trưởng, theo dõi, ghi chép số liệu xây dựng quy trình nuôi gà Tàu vàng từng giai đoạn, chọn lọc để nhân rộng trong dân.
Với những kết quả bước đầu được ghi nhận, hiện nay gà Tàu vàng đang nuôi thử nghiệm đã được trên 2 tháng tuổi và khả năng phát triển rất tốt.
Chị Phạm Thị Toan, cán bộ trực tiếp theo dõi và nuôi giống gà này, cho biết: “So với các loại gà khác thì gà thích nghi điều kiện nuôi khá tốt, ít dịch bệnh, khả năng tăng trọng nhanh, dễ nuôi, tỷ lệ sống cũng cao hơn, rất thích hợp mô hình chăn nuôi nông hộ của người dân địa phương. Ðặc biệt, chất lượng thịt thơm, dai hơn các giống gà thương phẩm”.
Lộ trình nhân rộng
Với điều kiện đất nông nghiệp khá màu mỡ, cơ cấu mùa vụ khá phong phú, lúa 2 vụ, lúa - tôm, hoa màu…, U Minh sẽ là huyện được dự kiến triển khai nhân rộng giai đoạn 2 của dự án.
Ông Chung Hữu Nghị cho biết: “Ðây là địa phương có đặc tính đại diện cho vùng quy hoạch ngọt hoá và trong tương lai sẽ là vùng quy hoạch chăn nuôi tập trung của tỉnh. Khi dự án nhân rộng, người dân vùng U Minh sẽ tận dụng được những phụ phẩm từ nông nghiệp làm thức ăn chăn nuôi, góp phần giảm chi phí, tăng thu nhập cho gia đình, tạo điều kiện cho ngành chăn nuôi phát triển trong thời gian tới. Theo đó, trung tâm sẽ hướng dẫn quy trình, kỹ thuật nuôi gà Tàu vàng sinh sản cho nông hộ, tăng tỷ trọng đàn gia cầm của tỉnh. Giai đoạn 2 được tiến hành với 3 nội dung chính, đó là xây dựng quy trình kỹ thuật chăn nuôi gà Tàu vàng hoàn chỉnh, phát triển, nhân rộng cho người dân. Ngoài ra, sử dụng đệm lót sinh học trong quá trình nuôi, góp phần chống ô nhiễm môi trường, giảm công lao động, chi phí trong chăn nuôi. Song song đó, nhân giống gà bằng máy ấp trứng nhân tạo mà TTGNN tỉnh vừa mới đầu tư, nhằm tăng năng suất sinh sản cũng như kiểm soát được vấn đề dịch bệnh trong chăn nuôi.
Ông Nghị cho biết thêm: “Ngoài vài cơ sở sản xuất giống gia cầm, hiện đa số các giống gia cầm mà người dân mua về chăn nuôi đều thuộc dạng trôi nổi, vấn đề kiểm soát dịch bệnh gặp không ít khó khăn. Hơn nữa, hiện nay người chăn nuôi gia cầm Cà Mau đang có xu hướng phát triển chăn nuôi gà thả vườn, thích nghi thị hiếu người tiêu dùng. Dự án gà Tàu vàng sẽ hứa hẹn đem lại những kết quả khả quan trong thời gian tới”.
Theo Báo Cà Mau ngày 2/8/2014