Thứ Sáu, 15/08/2014 08:35
Chăn nuôi nông hộ ở nước ta luôn giữ một vị trí quan trọng trong nền kinh tế, góp phần cung cấp thực phẩm cho cộng đồng; Với khoảng 8 triệu hộ chăn nuôi gia cầm và 4 triệu hộ chăn nuôi lợn, sản lượng thịt lợn và gia cầm do các hộ chăn nuôi này sản xuất hàng năm vẫn chiếm 60-70% tổng lượng thịt toàn quốc; Thu nhập về chăn nuôi luôn chiếm tỷ lệ cao trong tổng thu nhập của hộ nông dân.
Ảnh minh họa (nguồn Internet)
Ở Phú Thọ, theo thống kê chăn nuôi nông hộ không còn là chăn nuôi nhỏ lẻ và phân tán như trước đây mà là chăn nuôi tập trung theo quy mô thôn xã, ở một số xã có tới 40-60% số hộ có chăn nuôi. Các hộ chăn nuôi tuy đã áp dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật về con giống, thức ăn, kỹ thuật chăn nuôi, xử lý chất thải,... nhưng chăn nuôi nông hộ vẫn tồn tại nhiều bất cập như: tình trạng ô nhiễm môi trường, tình trạng sử dụng kháng sinh để phòng và kích thích tăng trưởng tùy tiện gây nên hiện tượng kháng thuốc và tồn dư kháng sinh trong thực phẩm. Ngoài ra, việc sản xuất thức ăn công nghiệp và thuốc thú y ở nước ta phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, cho nên giá thành hai mặt hàng này khá cao, lên xuống thất thường, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi.
Để khắc phục những bất cập nêu trên, nhằm phát triển chăn nuôi nông hộ an toàn, bền vững và hiệu quả, các hộ chăn nuôi có thể áp dụng một số biện pháp mới như sau:
1. Thứ nhất, người chăn nuôi cần áp dụng các quy trình phòng bệnh nghiêm ngặt, tuân thủ các nguyên tắc chăn nuôi an toàn sinh học, đảm bảo các yêu cầu vệ sinh thú y trong chăn nuôi, dần dần tiến tới xây dựng các cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh.
2. Thứ hai, đối với vấn đề ô nhiễm môi trường, ngoài việc xử lý chất thải bằng hầm Biogas còn có thể xử lý bằng các phương pháp khác như sử dụng đệm lót sinh học, công nghệ xử lý bằng ấu trùng ruồi đen, bằng giun quế hay giun đỏ.
* Về đệm lót sinh học:
Phương pháp chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học đã được áp dụng tại nhiều địa phương trong cả nước, đem lại hiệu quả kinh tế cao, môi trường chăn nuôi được cải thiện đáng kể do khi sử dụng đệm lót sinh học chuồng trại không có mùi hôi thối, các chất thải sẽ tự tiêu, người chăn nuôi tiết kiệm được khá nhiều sức lao động. Một số công trình nghiên cứu khoa học đã cho thấy, nuôi lợn trên nền đệm lót sinh học tiết kiệm được khoảng 80% lượng nước và 60% chi phí sức lao động do không phải tắm cho lợn và rửa chuồng trại thường xuyên như trước đây.
Ngoài ra, vào những ngày đông giá rét, đệm sinh học còn có khả năng giữ ấm tốt, đặc biệt là hạn chế được nhiều tác nhân gây bệnh, giúp lợn ít bị bệnh, hạn chế việc sử dụng kháng sinh, giảm chi phí thuốc thú y, lợn không bị stress do sống chật chội và không được ủi bới, lợn mau lớn, giảm chi phí thức ăn, chất lượng thịt ngon. Quy trình kỹ thuật làm đệm lót cũng không quá phức tạp, với những nguyên liệu đơn giản, quen thuộc như mùn cưa, vỏ trấu, lõi ngô nghiền nhỏ, men vi sinh và người chăn nuôi có thể tự làm đệm lót một cách dễ dàng.
* Về sử dụng ấu trùng ruồi đen để xử lý chất thải trong chăn nuôi:
Ấu trùng ruồi đen là loại côn trùng phàm ăn, chúng có thể làm giảm khối lượng và thể tích của chất thải chỉ trong vòng 24 giờ; Chỉ 1 m2 ấu trùng ruồi có thể xử lý tới 40 kg phân lợn tươi mỗi ngày và cứ 100 kg phân có thể cho 18 kg ấu trùng; Ấu trùng rất giàu các chất dinh dưỡng như protein (42%), chất béo (34%) là nguồn thức ăn tốt cho lợn, gia cầm và cá. Chất béo của ấu trùng ruồi đen có tới 54% là axit lauric - một axit có tác dụng tiêu diệt vi rút có vỏ bọc bằng lipid như Clostridium và các protozoa gây bệnh. Ngoài ra, Protein của ấu trùng rất giàu lysine là nguồn thức ăn có giá trị dinh dưỡng tương đương như huyết thanh khô dùng cho lợn con cai sữa sớm.
Chất thải của ấu trùng ruồi đen được dùng để nuôi giun đỏ, giun quế; Các loại côn trùng này phối hợp với nhau có tác dụng phân hủy rất tốt phân và các chất thải khác nhau. Trong quá trình phân hủy chất thải, giun thải dịch chất từ ruột và dịch chất này có tác dụng tiêu diệt các loại vi khuẩn gây bệnh trong khối phân ủ. Phân ủ từ giun là nguồn phân bón tốt cho cây trồng, giá phân giun ở nước ta lên tới 500 USD/tấn. Nuôi ấu trùng ruồi đen, giun đỏ hay giun quế vừa để xử lý chất thải nhưng cũng để có thêm nguồn protein nuôi gia súc, gia cầm và cá.
Kỹ thuật nuôi ấu trùng ruồi đen, giun đỏ hay giun quế khá đơn giản, dụng cụ nuôi rẻ tiền, dễ kiếm. Bà con chăn nuôi có thể sử dụng phương pháp này để xử lý một lượng lớn phân thải của lợn, gà hay trâu bò và các chất thải hữu cơ khác trong sinh hoạt gia đình.
3. Thứ ba, tận dụng các phụ phẩm công nông nghiệp, tăng cường sử dụng thóc gạo thay thế ngô, chế biến thức ăn bằng trộn ủ men vi sinh. Bà con nông dân có thể sử dụng các loại phụ phẩm như rau, củ, quả, đầu cá, vỏ tôm, các nguồn phụ phẩm lò mổ, tinh bột, bã sắn, bã rong giềng, bỗng bã rượu,... vào chăn nuôi. Tất cả các phụ phẩm này cần được chế biến theo phương pháp lên men chua (lên men bằng vi khuẩn lactic), việc bổ sung thức ăn đã được lên men bằng vi khuẩn lactic cho lợn con theo mẹ rất cần thiết để vi khuẩn có lợi được cư trú sớm trong ruột, nâng cao sức khỏe ruột, hạn chế tiêu chảy, từ đó hạn chế việc lạm dụng kháng sinh, giảm chi phí thuốc thú y.
Khi nguồn thóc lúa dồi dào, giá thóc rẻ hơn giá ngô thì bà con có thể sử dụng gạo lật (gạo lật là thóc đã loại bỏ toàn bộ trấu) thay ngô trong các khẩu phần ăn, bổ sung thêm các loại phụ gia như premix khoáng - vitamin, enzyme, probiotic vào thức ăn chế biến để chăn nuôi nông hộ giảm sự phụ thuộc vào thức ăn công nghiệp.
Các biện pháp trên giúp cho chăn nuôi nông hộ gắn chặt hơn với trồng trọt, với sản xuất lúa gạo, hạn chế ô nhiễm môi trường, bệnh tật cho người và vật nuôi, giảm chi phí thuốc thú y, giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu nhờ vậy chăn nuôi nông hộ sẽ an toàn và hiệu quả hơn
Theo Website Sở NN & PTNT Phú Thọ ngày 14/8/2014
BSTY. Đào Ngọc Lan – Chi cục Thú y Phú Thọ