Thứ Bảy, 20/09/2014 10:28

Những năm qua, lĩnh vực chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh được các ngành chức năng quan tâm và một số doanh nghiệp bỏ vốn lớn vào đầu tư theo hình thức công nghiệp nên mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Tuy nhiên, lĩnh vực chăn nuôi trên địa bàn tỉnh còn bộc lộ nhiều hạn chế.

 

 

Trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn của gia đình anh Nguyễn Văn Phúc, thôn Trại Dọc, xã Bình Khê (Đông Triều).

 

Để ngành chăn nuôi tăng nhanh tỷ trọng và trở thành lĩnh vực chính trong sản xuất nông nghiệp, Sở Nông Nghiệp & Phát Triển NôngThôn đã chỉ đạo các địa phương, các đơn vị trong ngành tập trung xây dựng và thực hiện các dự án, mô hình đổi mới cơ cấu và nâng cao chất lượng đàn gia súc, gia cầm, tập trung phát triển đàn gia súc có giá trị kinh tế cao (bò lấy thịt, sữa, lợn hướng nạc) và gia cầm quy mô trang trại, theo hình thức công nghiệp đi đôi với các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh, bảo vệ môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm. Về mô hình chăn nuôi, hiện nay hơn 50% gia súc, gia cầm trong tỉnh chăn nuôi nhỏ lẻ theo quy mô hộ gia đình.

 

Tuy nhiên, chăn nuôi theo hình thức trang trại tập trung bước đầu tăng dần tỷ trọng và cơ cấu sản phẩm trong chăn nuôi. Đến nay, toàn tỉnh có 155 trang trại chăn nuôi, trong đó có 111 trang trại chăn nuôi lợn; 36 trang trại chăn nuôi gà và 8 trang trại chăn nuôi trâu, bò. Trong đó, quy mô của các trang trại chăn nuôi ngày càng phát triển mạnh hơn với 18 cơ sở nuôi gia cầm tập trung, quy mô từ 1-2 vạn con; 2 trại chăn nuôi lợn công nghiệp, 30 trang trại chăn nuôi lợn thịt, quy mô từ 30-200 con... Công ty Cổ Phần Giống vật nuôi hiện có hơn 30 lợn đực ngoại, 16 lợn đực nội, 60 lợn nái Móng Cái sinh sản, 47 nái sinh sản ngoại... Đây là nguồn cung cấp giống quan trọng trong việc duy trì, phát triển chăn nuôi trên địa bàn.

 

Trong 8 tháng năm 2014, công ty đã cung cấp ra thị trường gần 400 con lợn sữa Móng Cái, 280 con lợn hậu bị Móng Cái. Công ty Thiên Thuận Tường chăn nuôi 65 con bò, trong đó có 15 con bò lai giống ngoại; hơn 6.000 con lợn thịt, 800 lợn nái, 15 lợn đực giống và hàng nghìn con gia cầm các loại. Từ đầu năm đến nay, công ty đã cung cấp ra thị trường hàng chục nghìn kg thịt và hàng vạn con giống cho ngành chăn nuôi nhiều tỉnh, thành phố trong nước. Công ty TNHH Minh Châu chăn nuôi hơn 1.400 con lợn nái, 4.500 lợn thịt; gần 10.000 con gia cầm các loại, cung cấp cho thị trường 1.200 tấn lợn thịt; 22.000 lợn giống.

 

Theo đánh giá của ngành chức năng, mặc dù những năm gần đây, lĩnh vực chăn nuôi trên địa bàn tỉnh phát triển khá nhanh song còn bộc lộ nhiều hạn chế, trong đó phải kể đến quy mô còn nhỏ, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi chưa đồng bộ về con giống, thức ăn, đến cơ sở giết mổ… Trong khi sức tiêu thụ thịt/người/năm tăng từ 30kg năm 2009 lên 60kg/người/năm 2013; tương tự, sức tiêu thụ trứng tăng từ 20 quả/người/năm 2009 lên 100 quả/người/năm 2013 thì sản lượng gia súc, gia cầm chăn nuôi tại Quảng Ninh, mới đáp ứng được 60% nhu cầu của tỉnh, phần còn lại phải nhập từ các tỉnh: Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định... về giết mổ để tiêu thụ. Trên địa bàn toàn tỉnh ước phải nhập từ 1.600-1.800 con lợn/ ngày để giết mổ, chưa kể đến trâu, bò và gia cầm các loại. Hoạt động mua bán, vận chuyển gia súc, gia cầm từ tỉnh ngoài về, mang theo dịch bệnh, làm phát sinh và lây lan, ảnh hưởng đến sản xuất chăn nuôi của tỉnh. Việc kiểm soát dư lượng kháng sinh; kim loại nặng, hoóc môn tăng trọng... chưa thực hiện được, đây là mối lo chung về sức khoẻ đối với người tiêu dùng.

 

Hiện nay, việc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong lĩnh vực chăn nuôi của tỉnh bước đầu được các doanh nghiệp quan tâm, khả năng đầu tư với quy mô ngày càng lớn và hiện đại thì ngoài việc phát huy tối đa lợi thế tự nhiên, sinh thái, vùng truyền thống, cần có định hướng điều chỉnh hợp lý cơ cấu vật nuôi, đối tượng vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá là mục tiêu tạo ra số lượng lớn gia súc, gia cầm phục vụ nhu cầu tiêu thụ của tỉnh và từ đó đòi hỏi cần xem xét đến việc đầu tư đồng bộ hệ thống các cơ sở  phục vụ chăn nuôi như nguồn cung ứng giống, nhà máy sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm để giảm chi phí chăn nuôi, nâng cao hiệu quả kinh tế; xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.

 

Theo báo Quảng Ninh ngày 20/9/2014.

 




Tin cũ hơn: