Thứ Hai, 13/10/2014 08:49

Những năm gần đây, người chăn nuôi chưa thực hiện tốt công tác bảo đảm an toàn sinh học, vệ sinh môi trường trong chăn nuôi nên tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm liên tiếp xảy ra ở nhiều địa phương, gây ảnh hưởng trực tiếp đến người chăn nuôi cũng như sức khỏe của người tiêu dùng. Do vậy, việc xây dựng các mô hình sử dụng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi là rất cần thiết.

 

Từ năm 2012 đến nay, từ nguồn kinh phí địa phương, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư (KNKN) Cà Mau đã phối hợp với Phòng Kinh tế thành phố Cà Mau, Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các huyện Trần Văn Thời, Thới Bình triển khai nhiều mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm sử dụng đệm lót sinh học như: Mô hình nuôi heo ứng dụng công nghệ đệm lót sinh thái, mô hình nuôi heo sinh sản hướng nạc sử dụng chế phẩm sinh học Balasa N01, mô hình nuôi gà sử dụng chế phẩn sinh học…

 

Tháng 5 năm 2014, Trung tâm KNKN Cà Mau tiếp tục phối hợp với phòng Kinh tế Thành Phố Cà Mau triển khai “Mô hình nuôi gà Ai Cập lai chuyên trứng sử dụng đệm lót sinh học” tại địa bàn xã Tân Thành, với quy mô 1.000 con, có 05 hộ tham gia. Tham gia mô hình trình diễn, người chăn nuôi được Nhà nước hỗ trợ 100% con giống, 30% vật tư thiết yếu và chế phẩm sinh học BalasaN01. Trước khi giao gà giống Trung tâm KNKN Cà Mau tổ chức 02 khóa tập huấn kỹ thuật làm đệm lót sinh thái và và quy trình nuôi gà Ai Cập lai chuyên trúng cho 60 nông dân trong vùng.

 

Mô hình trình diễn nuôi gà Ai Cập lai chuyên trứng sử dụng đệm lót sinh học tại xã Tân Thành.

 

Đây là một mô hình mới tại tỉnh Cà Mau, hiện nay mô hình đã triển khai và giao gà giống gần 4 tháng. Theo đánh giá bước đầu của các hộ tham gia mô hình và bà con nông dân lân cận thì đây là một mô hình mới có hiệu quả. Kỹ thuật làm chuồng dễ thực hiện, khâu chuẩn bị đệm lót, chăm sóc gà cũng đơn giản, nhất là chi phí thấp, giảm công lao động, không ô nhiễm môi trường, gà Ai Cập lai phát triển tốt, ít xảy ra dịch bệnh.

 

Ông Quách Ngọc Ngon ở ấp 3, xã Tân Thành, thành phố Cà Mau, một trong những hộ tham gia mô hình cho biết: “Trước đây tôi nuôi gà rất cực, mất rất nhiều thời gian cho: chăm sóc, thay chất độn chuồng, tốn nhiều chi phí mua trấu…và tình hình dịch bệnh vẫn thường xuyên xảy ra. Sau khi được tập huấn kỹ thuật, tham gia mô hình nuôi gà trên đệm lót sinh thái, tôi thấy công việc đỡ cực hơn, có nhiều thời gian hơn để chăm sóc gia đình. Đặc biệt, từ khi sử dụng nền đệm lót sinh học thì mùi hôi không còn, đàn gà Ai Cập lai phát triển rất tốt, ít dịch bệnh.

 

Trong điều kiện chăn nuôi thực tế hiện nay, người chăn nuôi phải đối mặt với nhiều khó khăn như, dịch bệnh xảy ra liên tiếp, giá thức ăn, thuốc thú y tăng cao, môi trường chăn nuôi bị ô nhiễm, đầu ra sản phẩm không ổn định, giá thấp… Ngoài ra, việc lạm dụng các chất tăng trọng, tạo nạc và kháng sinh làm tồn dư hóa chất trong thịt, trứng làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Do đó, việc xây dựng cũng như áp dụng mô hình sử dụng công nghệ đệm lót sinh thái là rất phù hợp và giúp ích cho người chăn nuôi trong điều kiện khó khăn như hiện nay. Hiệu quả bước đầu của mô hình nuôi gà Ai Cập lai chuyên trứng giúp giảm ô nhiễm môi trường và làm tiền đề để phát triển chăn nuôi an toàn và bền vững. Thời gian tới, Trung tâm KNKN ngư Cà Mau tiếp tục theo dõi các chỉ tiêu kỹ thuật, sản lượng trứng và tổ chức hội thảo để nhân rộng mô hình này ở nhiều địa phương khác trong tỉnh.

 

Theo Khuyến Nông Việt Năm ngày10/10/2014




Tin cũ hơn: