Thứ Sáu, 24/10/2014 08:51

Mấy năm trở lại đây, giống gà mía Lương Phượng đã làm đổi thay cuộc sống của nhiều hội viên phụ nữ huyện Văn Chấn. Từ 5, 6 xã ban đầu, đến nay 25/31 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã tham gia Tiểu dự án nuôi gà mía thuộc Dự án PALD do Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện phối hợp thực hiện.

 

Gia đình chị Đinh Thị Ngữ ở thôn Vực Tuần 2, xã Cát Thịnh

nuôi 500 con gà mía Lương Phượng cho hiệu quả kinh tế cao.

 

Dè dặt, do dự là tâm lý chung của nhiều chị em khi mới nghe đến Dự án chăn nuôi giống gà mía Lương Phượng. Với chị Đinh Thị Ngữ - Chi hội thôn Vực Tuần 2, xã Cát Thịnh cũng không là ngoại lệ. Sau khi tham gia lớp tập huấn thành lập nhóm chăn nuôi, nghe tư vấn về giống gà này, phải mất hàng tháng chần chừ rồi gia đình chị mới quyết định biến diện tích chăn nuôi lợn thành chuồng nuôi gà.

 

Đó là thời điểm năm 2012, khi hơn 100 chú gà con vừa nở được chị mua về nuôi với giá 12.000 đồng/con. Chị cẩn thận ủ trấu và sưởi ấm cho gà bằng bóng điện. Được sưởi ấm cùng với uống vắc - xin, đàn gà đã cứng cáp và phát triển tốt. Thành công từ lứa gà đầu tiên, chị tiếp tục tăng số lượng đàn lên 200, 300 và rồi 500 con ở thời điểm hiện tại. Đây đã là lứa gà thứ 2 trong năm của gia đình chị Ngữ.

 

Sau 3 tháng nuôi đàn gà 500 con, trừ chi phí, gia đình thu về trên dưới 50 triệu đồng, 3 lứa có trên 150 triệu đồng - một khoản thu đáng kể so với chăn nuôi lợn vốn nhiều khó khăn trước đây. Tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng dịch cũng như biết cách chăm sóc, chăn nuôi, chống rét, đàn gà lớn nhanh. Chị Ngữ cho hay: “Trước đây, tôi chưa biết đến con gà dự án là gì nhưng giờ thì đã thấy được những lợi ích thiết thực mang lại. Giống gà mía đã góp phần cải thiện đáng kể nguồn thu của gia đình tôi”.

 

Không chỉ làm giàu cho mình, chị còn giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm với nhiều hội viên về cách chăm sóc, phòng dịch cho đàn gà. Ít vốn đầu tư, nhiều hội viên chỉ chăn nuôi vài chục con. Cùng với thôn Vực Tuần 2, cả 9 thôn, bản còn lại của xã Cát Thịnh đều có hội viên tham gia Dự án. Từ đầu năm, đã có 10.000 con giống được các hội viên phụ nữ đăng ký mua và số lượng này khá lớn so với các xã khác trên địa bàn huyện. Tích cực chăn nuôi, nhiều hộ đã thoát nghèo, từng bước vươn lên khá giàu, góp phần đưa tỷ lệ hộ hội viên nghèo giảm xuống còn 10%.

 

Năm 2013, Hội Phụ nữ xã Sơn Thịnh đăng ký mua 4.100 con gà giống và năm nay là 2.900 con. Số lượng giảm không phải vì hội viên quay lưng lại với giống gà mía mà là nhiều hộ đã tự ấp nở được gà con. Đồng chí Hà Thị Thủy Tiên - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Sơn Thịnh cho biết: “Giống gà mía đẻ rất nhiều trứng, khả năng ấp nở cao nên nhiều gia đình đã tự cung ứng được giống và tiếp tục phát triển đàn gà, góp phần cải thiện cuộc sống”. Qua 3 đợt cung ứng giống, năm nay, xã có 4 thôn tham gia với 30 hộ. Tuy vậy, số lượng đàn của các gia đình không lớn, hầu hết là dưới 100 con. Các hội viên được tham gia các lớp tập huấn, được tư vấn kỹ thuật chăn nuôi nên hiệu quả nuôi gà được nâng lên rõ rệt.

 

Từ quy mô nhỏ lẻ ở một vài xã năm 2007, đến nay, 25/31 xã, thị trấn của Văn Chấn đã đưa giống gà này vào chăn nuôi với 650 hộ tham gia. Không chỉ dừng lại ở gà dự án mang tính chất thử nghiệm, nhiều địa phương, nhiều gia đình đã biến những chú gà nhỏ bé thành nguồn lợi lớn. Đàn gà với số lượng lớn tập trung ở những xã, thị trấn như: Cát Thịnh, Thượng Bằng La, Thanh Lương, thị trấn Nông Trường Nghĩa Lộ... Giống gà này cũng đã được đưa lên một số xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc như: Nghĩa Sơn, Nậm Lành, Suối Bu... bước đầu đã có hiệu quả nhưng chưa thực sự rõ nét như vùng thấp.

 

Nguyên nhân một phần do điều kiện khí hậu lạnh hơn, một phần do kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi của phụ nữ dân tộc thiểu số còn hạn chế. Có thêm những lớp tập huấn chuyên môn đồng thời được hỗ trợ về vốn là điều mà nhiều chị em mong muốn. Thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Văn Chấn đã có nhiều nỗ lực giúp đỡ các hội viên đưa chăn nuôi nói chung và nuôi gà mía nói riêng trở thành hướng phát triển chiến lược, góp phần xóa đói giảm nghèo.

 

Đồng chí Lò Thị Liên - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Văn Chấn cho biết: “Thời gian tới, Hội tiếp tục mở rộng mô hình chăn nuôi gà mía ở các hộ hội viên vùng cao. Đặc biệt là sẽ chú trọng tập huấn kỹ thuật, nâng cao kiến thức cho hội viên trong việc chăm sóc và phòng chống dịch cho đàn gà, góp phần cải thiện, nâng cao mức sống của người dân”.

 

Theo Báo Yên Bái ngày 23/10/2014




Tin cũ hơn: