Thứ Năm, 27/11/2014 13:19

Ivan Petrovich Pavlov là nhà sinh lý học người Nga nổi tiếng thế giới. Ông đã sáng tạo ra học thuyết duy vật về hoạt động thần kinh cấp cao và nhận được giải thưởng Nobel năm 1904 cho sáng tạo này. Giới khoa học công nhận những cống hiến của ông bằng cách phong cho ông nhiều Viện sĩ nhiều Viện hàn lâm và nhiều hội khoa học khác nhau trên thế giới.

 

Ảnh minh hoạ (Nguồn Internet)

 

Sinh ra và lớn lên trong sự đổi thay to lớn của xã hội, đất nước, Ivan Petrovich Pavlov đã phải nỗ lực không ngừng để có thể duy trì công việc nghiên cứu khoa học của mình một cách liên tục. Không chỉ là một nhà khoa học cần  mẫn, Pavlov còn là một công dân vô cùng gương mẫu. Đứng trước khó khăn  chung của nước Nga Xô Viết non trẻ ngày mới thành lập. Sau Cách mạng Tháng Mười, Pavlov đã lên tiếng kêu gọi chính các nhân viên của mình bằng những lời nhiệt huyết như sau: ''Tình hình đất nước vô cùng khó khăn. Chúng ta phải tự kiếm sống. Riêng tôi, hy vọng rằng bằng việc tăng gia trên mảnh vườn có thể nuôi được bản thân và gia đình. Tôi mong các đồng nghiệp hãy theo gương tôi  làm như vậy''.

 

Ngay sau đó, người ta thường thấy mỗi sáng sớm hay chiều tà, nhà khoa học Ivan Petrovich Pavlov cầm xẻng cày xới trên mảnh đất hoang cách Viện  khoa học của ông không xa. Mảnh vườn ấy đã cho những vụ mùa bội thu, đem lại nguồn lương thực lớn cho gia đình ông. Lời nói và việc làm của Pavlov luôn song hành với nhau. Điều đó đã lay động được nhiều nhà nghiên cứu khác. Họ  khâm phục ông không chỉ vì sự uyên thâm trong khoa học mà còn bởi tính cách và tâm hồn tuyệt vời của ông.

 

Nước Nga Xô Viết thời bấy giờ đứng trước hàng loạt khó khăn, Ngoài những cuộc nội chiến, họ còn phải chịu những cuộc can thiệp vũ trang từ bên ngoài. Nền kinh tế tiêu điều tưởng khó có thể vực dậy. Với tình hình chung như vậy, Viện khoa học - nơi Pavlov làm việc cũng không thể có điều kiện tốt để tiến hành những nghiên cứu quan trọng. Các phòng thí nghiệm quá đơn sơ,  không có lò sưởi để sưởi ấm. Ngay cả những dụng cụ khoa học cần thiết cho các cuộc thí nghiệm cũng không thể có đủ. Phải hiểu được hoàn cảnh khó khăn lúc bấy giờ mới có thể thấu hiểu và thấm thía những cố gắng và những hy sinh vì khoa học của Ivan Petrovich Pavlov. Dù phải mặc áo bành tô, đội mũ lông trong phòng thí nghiệm, Pavlov vẫn không vì thế mà dừng công tác nghiên cứu. Ông vẫn tiến hành đều đặn các thí nghiệm quan trọng của mình trong điều kiện thiếu  thốn.

 

Nhà văn Anh Herbert Well sau khi đến thăm nước Nga vào năm 1920 đã viết cuốn hồi ký Nước Nga trong bóng tối. Có thể dẫn một đoạn văn của ông để  hình dung rõ hơn tình cảnh nước Nga lúc bấy giờ: ''Một trong những cảm tưởng bất bình thường nhất của tôi là cuộc gặp gỡ tại trụ sở Hội khoa học với một số thành viên đại diện của nền khoa học Nga, những người đã bị kiệt sức bởi bao điều lo lắng và sự thiếu thốn. Tôi cũng nhìn thấy ngài Pavlov, người được giải thưởng Nobel và một số nhà Bác học nổi tiếng thế giới...Họ không có máy mới, không đủ giấy viết, phòng thí nghiệm không được sưởi ấm. Thật lạ lùng, họ vẫn miệt mài làm việc. Mà họ làm việc có kết quả. Với tài năng và sự khéo léo hiếm thấy, Pavlov tiếp tục nghiên cứu hoạt động thần kinh cấp cao của động vật ... Ý tưởng khoa học thật là tuyệt vời. Nếu như mùa đông này Petrôgrad bị chết đói thì các thành viên của Hội khoa học cũng sẽ chết. Tuy nhiên, họ không hề nói với tôi về khả năng được cung cấp các loại thực phẩm. Tất cả họ đều rất mong muốn nhận được tài liệu khoa học: kiến thức đối với họ còn quý hơn bánh mì...''

 

Thực ra, sau khi nhận được giải Nobel năm 1904, Pavlov đã trở nên nổi tiếng trong giới sinh lý học toàn thế giới. Ông cũng được bầu làm Viện sĩ của nhiều Viện hàn lâm và nhiều Hội khoa học khác nhau. Trong khi Pavlov khó khăn về điều kiện nghiên cứu, các nhà khoa học ở khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là ở Đức và Mỹ đã hết sức mong muốn ông đến làm việc ở đất nước của họ. Họ hứa sẽ đảm bảo mọi điều kiện đầy đủ để Pavlov có thể tiến hành các nghiên cứu khoa học của mình một cách thuận lợi nhất. Song, lòng yêu quê hương và mong muốn cống hiến cho quê hương ngay trong thời kỳ gian khó nhất đã giữ Pavlov ở lại. Ông bám trụ lại quê nhà bằng một nỗ lực phi thường. Không quản  ngại bất kỳ điều gì, Pavlov quyết tâm nghiên cứu khoa học ngay trên chính quê  hương ông.

 

Nước Xô Viết tuy nhiều khó khăn song cũng đã cố gắng tạo mọi điều kiện để ủng hộ, giúp đỡ Pavlov - một nhà bác học có tinh thần phấn đấu cao. Năm 1920, tại Petrôgrad, ủy ban giúp đỡ Giáo sư Van Petrovich Pavlov được thành  lập. Những nghiên cứu của Pavlov cũng được công nhận và đánh giá rất cao.  Ngày 24 tháng giêng năm 1921, V.I.Lénine đã phê duyệt kết luận đánh giá của ủy ban do Gorki đứng đầu, trong đó, nhấn mạnh: ''Công trình khoa học đồ sộ  của Viện sĩ I.P. Pavlov có ý nghĩa lớn lao đối với nhân dân lao động trên toàn thế giới ... ''. Cũng chính Lénine yêu cầu ''trong một thời gian ngắn nhất, tạo điều kiện thuận lợi nhất để Viện sĩ Pavlov và các đồng nghiệp của ông tiến hành công tác khoa học''.

 

Pavlov luôn tri ân những giúp đỡ của Lénine đối với ông. Sau này, ông đã viết: ''Lénine đã đánh giá đúng sự thành thật và lòng nhiệt tình của tôi, nỗi lo lắng của tôi đối với vận mệnh của Tổ quốc...  Người đã chỉ thị cho cấp dưới của mình thực hiện việc cải thiện đáng kể điều kiện sống và làm việc của tôi, và những việc đó đã được thực hiện không chậm trễ trong những ngày vô cùng khó khăn đối với đất nước''.

 

Trong thời kỳ khó khăn nhất của đất nước, Pavlov không hề muốn rời bỏ Tổ quốc, và tấm lòng của ông đã được đáp đền xứng đáng. Sự quan tâm của lãnh tụ Lénine là một sự động viên lớn đối với nhà bác học. Đến khi đất nước đã hồi phục, tình hình kinh tế chính trị đã bước đầu ổn định, Pavlov đón tiếp rất nhiều nhà khoa học trên khắp thế giới, từ Mỹ cho đến Nhật Bản, Hà Lan, Bỉ, Anh, Thụy Điển, Đức .... đến học tập và tìm hiểu trường phái sinh lý học của  ông. Hệ thống lý thuyết về ngành sinh lý học của ông nhờ vậy ngày càng trở nên  phổ biến.

 

Pavlov cũng thường xuyên tham gia đọc tham luận ở các hội nghị quốc tế. Ông từng đến Mỹ, Phần Lan, Anh, Italia... để thuyết trình về những phát minh mới nhất của mình trong lĩnh vực sinh lý học động vật. Điều khiến mọi người hứng thú nhất là sự phát hiện về hiện tượng phản xạ có điều kiện ở loài vật. Những thực nghiệm cụ thể lại càng khiến lý thuyết này trở nên sinh động và hấp dẫn.

 

Năm 1934, Pavlov gặp lại nhà văn Herbert Wells khi nhà văn này quay trở lại nước Nga. Pavlov hóm hỉnh hỏi nhà văn: ''Cuốn sách Nước Nga trong  bóng tối của Ngài đâu rồi?''. Nhà văn này không thể tìm ra câu trả lời ngay lập tức, sau này ông đã trả lời Pavlov bằng một cuốn sách mới. Trong cuốn này, có  đoạn viết: ''Những nghiên cứu được tiến hành ở Viện sinh lý học mang tên  Pavlov gần Leningrad là những công trình có giá trị trên thế giới ... Người ta đã  đảm bảo mọi thứ cần thiết cho công tác nghiên cứu khoa học. Tôi thấy ông già (chỉ Pavlov) rất phấn chấn, khuôn mặt hồng hào và mái tóc bạc trắng ... Những công trình của Pavlov là một bằng chứng sinh động chứng tỏ tiềm năng khoa  học to lớn của nhân dân Nga''.

 

Pavlov đã từng ví Chính phủ nước Nga Xô Viết như những người thực nghiệm nhưng ở phạm trù cao hơn ông - một nhà thực nghiệm. Quả thực, công cuộc xây dựng nhà nước Xã hội chủ nghĩa mang tính mở đầu của Liên Xô lúc bấy giờ là một cuộc thử nghiệm lớn. Ông đã “ao ước được sống mãi để nhìn thấy thắng lợi của cuộc thực nghiệm mang tính lịch sử xã hội đó''. Pavlov đã không thể biến niềm ao ước của mình thành hiện thực bởi ông cũng chỉ là một con người phải tuân theo quy luật nhân thế. Tuy nhiên, ông đã sống rất thọ. Năm 1936, Van Petrovich Pavlov qua đời, hưởng thọ 86 tuổi. Ngày nay, ông vẫn được nhắc tới như một nhà khoa học vĩ đại, một công dân mẫu mực của nước Nga.

 

(Sưu tầm)