Thứ Hai, 12/01/2015 16:53
Auguste Comte (19/1/1798 – 5/9/1857) - (Nguồn Internet)
TIỂU SỬ
Auguste Comte (19/1/1798 – 5/9/1857), triết gia thực chứng Pháp, người sáng lập xã hội học. Ông sinh tại Montpelier. Từ nhỏ, ông đã chống lại truyền thống Công giáo La Mã và những quan điểm chính trị bảo hoàng của gia đình. Ông sớm phát triển về trí tuệ và năm 1814, vào trường Ecole Polyteehnique, đến năm 1818 ông bị đuổi học vì tham gia vào một cuộc nổi loạn của sinh viên. Ông đọc sâu rộng về triết học và lịch sử và đặc biệt quan tâm đến các nhà tư tưởng bắt đầu nhận thấy và truy nguyên một trật tự nào đó trong lịch sử xã hội loài người. Những tư tưởng của các triết gia chính trị Pháp thế kỷ 18 – như Montesquieu, Marquis de Condorcet, A. R. J. Turgot, và Joseph de Maistre - được tiếp thu có phê phán vào trong hệ thống tư tưởng của riêng ông.
Người bạn quan trọng nhất của ông ở Paris là Henri de Saint-Simon, nhà cải cách xã hội Pháp, một trong những người sáng lập chủ nghĩa xã hội, người đầu tiên nhìn thấy rõ tầm quan trọng của việc tổ chức kinh tế trong xã hội hiện đại. Những ý tưởng của Comte rất giống với tư tưởng của Saint-Simon. Tuy nhiên, giữa hai người vẫn có những khác biệt rõ rệt về quan điểm khoa học, nên sau cùng Comte đoạn giao với Saint-Simon. Năm 1826, Comte bắt đầu trình bày một loạt những bài giảng về hệ thống triết học “thực chứng'' của ông cho một cử toạ nhỏ, nhưng ngay sau đó ông bị suy sụp tinh thần. Do đó, dự án này bị gián đoạn mất một năm trước khi tiếp tục. Mười hai năm sau đó, ông tập trung vào công trình triết học 6 quyển mang tên Những bài giảng về triết lý thực chứng (1830 - 1842).
Từ năm 1832 đến 1842, Comte là trợ giảng rồi giám khảo ở trường Ecole Polytechnique. Ông bị mất chức và một nguồn thu nhập đáng kể sau khi gây gổ với ban giám hiệu của trường. Trong những năm cuối đời, ông được chu cấp bởi những người hâm mộ ông ở Anh như triết gia John Stuart Mill và đồ đệ ông ở Pháp, đặc biệt là nhà ngôn ngữ học và nhà từ điển học Maximilien Littré. Comte lập gia đình với Caroline Massin năm 1825, nhưng cuộc hôn nhân không hạnh phúc và hai người chia tay nhau năm 1842. Năm 1845, Comte trải qua một tình yêu lãng mạn và sâu đậm với Clotilde De Vaux, nhưng thật không may, qua năm sau người phụ nữ này mất vì bệnh lao phổi. Comte lý tưởng hoá biến cố tình cảm này, vốn đã gieo ảnh hưởng đáng kể lên tư tưởng và trước tác sau này của ông; ông đặc biệt quan tâm đến vai trò phụ nữ trong xã hội thực chứng mà ông dự định xây dựng.
Sau khi Clotide de Vaux mất, Comte tập trung viết tác phẩm quan trọng khác của ông, Hệ thống chính thể thực chứng, 4 quyển (1851 - 54), trong đó ông hoàn chỉnh cách diễn giải xã hội học. Toàn bộ tác phẩm nhấn mạnh đạo đức và tiến trình đạo đức như mục đích chính yếu của tri thức và sự phấn đấu của con người. Comte đã sống để nhìn thấy những trước tác của ông được cả châu Âu nghiên cứu. Nhiều trí thức Anh chịu ảnh hưởng Comte, họ dịch và phổ biến tác phẩm của ông. Số người hâm mộ ông ở Pháp cũng tăng lên, và một sự đồng thuận lớn phát triển trong các xã hội thực chứng khắp thế giới. Comte chết vì ung thư.
TƯ TUỞNG
Comte sống trong giai đoạn hậu cách mạng Pháp và Napoleon, vào lúc mọi người đang đi tìm một trật tự xã hội mới, ổn định - không có chế độ chuyên quyền. Khoa học, công nghệ hiện đại và Cách mạng Kỹ nghệ đã bắt đầu chuyển đổi các xã hội châu Âu theo những chiều hướng không ai từng biết. Con người đã trải qua xung đột bạo lực nhưng còn trôi giạt trong cảm tính, tư tưởng và hành động; họ thiếu tin tưởng vào những tình cảm, tín ngưỡng và những thiết chế đã định hình. Comte nghĩ rằng, tình trạng này không chỉ có ý nghĩa đối với Pháp và châu Âu nhưng còn là một trong nhưng giai đoạn quyết định của lịch sử nhân loại. Comte có khả năng đặc biệt là hợp nhất những dòng chảy trí thức bất đồng nhau. Ông tiếp nhận những ý tưởng này chủ yếu từ các tác gia thế kỷ 18 và 19. Từ David Hume và Immanuel Kant ông rút ra được khái niệm chủ nghĩa duy thực cho mình - tức là, lý thuyết nói rằng, thần học và siêu hình học là những kiểu tri thức bất toàn trước đây và rằng, tri thức thực chứng dựa trên những hiện tượng tự nhiên và những thuộc tính cùng những tương quan của chúng được xác minh bằng các khoa học thực nghiệm. Từ các nhà tư tưởng giáo quân Pháp, Comte có được một cơ cấu giả thuyết cho tổ chức xã hội mô phỏng theo tôn ti và kỷ luật của Giáo hội Công giáo La Mã. Từ các triết gia ánh sáng, ông tiếp thu ý niệm tiến bộ lịch sử. Quan trọng hơn cả, từ Saint-Simon ông biết đánh giá cao nhu cầu có một khoa học xã hội cơ bản và thống nhất có thể vừa lý giải những tổ chức xã hội hiện hữu vừa vạch kế hoạch cho một xã hội tương lại tốt hơn. Khoa học mới này ông gọi là “xã hội học” lần đầu tiên.
Comte chia sẻ việc đánh giá cao của Saint-Simon đối với tầng quan trọng không ngừng tăng lên của khoa học hiện đại và sự ứng dụng tiềm tàng của các phương pháp khoa học đối với việc nghiên cứu và cải thiện xã hội. Comte tin rằng, các hiện tượng xã hội có thể được thu giảm thành những luật lệ đúng như cách mà sự xoay vòng của các thiên thể được giải thích bằng thuyết hấp dẫn. Hơn nữa, ông tin rằng, mục đích của sự phân tích xã hội mới lạ có tính khoa học sẽ được cải thiện hơn và rằng, kết quả sau cùng của mọi cách tân và hệ thống hoá trong khoa học mới sẽ là sự hướng dẫn của kế hoạch xã hội. Comte cũng tin rằng, cần có một trật tự tinh thần mới và thế tục hóa để thay thế cho cái mà ông nhận thấy là chủ nghĩa siêu tự nhiên lỗi thời của thần học Ki-tô giáo.
Đóng góp chính của Comte cho triết học thực chứng gồm có năm phần: sự tiếp thu nghiêm ngặt phương pháp khoa học; luật ba tình trạng hay ba giai đoạn của sự phát triển trí thức; phân loại các khoa học; khái niệm triết học bất toàn về từng khoa học này trước xã hội học; tổng hợp triết học xã hội thực chứng vào một hình thức thống nhất. Ông tìm kiếm một hệ thống triết lý có thể làm cơ sở để tổ chức chính trị thích ứng với xã hội công nghiệp hiện đại.
“Luật ba giai đoạn'' của Comte khẳng định rằng, sự phát triển trí thức của con người đã chuyển động theo lịch sử từ giai đoạn thần học, trong đó thế giới và số phận con người được giải thích bằng ngôn ngữ của thần linh; qua giai đoạn chuyển tiếp của siêu hình học, trong đó mọi sự giải thích đều dựa vào các yếu tính, các nguyên nhân cuối cùng và những khái quát trừu tượng khác; và cuối cùng là giai đoạn thực chứng hiện đại. Giai đoạn cuối cùng này được phân biệt bằng sự nhận biết các giới hạn của tri thức con người. Tri thức chỉ có thể liên hệ đến bản chất con người như một loài sinh vật và liên hệ đến những hoàn cảnh xã hội và lịch sử hay thay đổi của con người.
Sự phân loại các khoa học của Comte dựa trên giả thuyết rằng, các khoa học đã phát triển từ sự nhận thức những nguyên lý đơn giản và trừu tượng đến sự nhận thức những hiện tượng phức tạp và cụ thể. Từ đó, các khoa học phát triển như sau: từ toán học, thiên văn học, vật lý học, và hoá học đến sinh học và cuối cùng đến xã hội học. Theo Comte, ngành học sau cùng này không chỉ đúc kết nhiều ngành học khác mà còn giảm trừ các sự kiện xã hội thành các quy luật và tổng hợp toàn bộ tri thức con người.
Mặc dù Comte không sáng chế ra khái niệm xã hội học hay lĩnh vực nghiện cứu của nó, ông có công lớn mở rộng và đi sâu vào ngành học này đồng thời hệ thống hoá nội dung của nó. Comte chia xã hội học ra làm hai lĩnh vực, hay hai nhánh chính: tĩnh lực học xã hội, hay ngành nghiên cứu các lực giữ cho xã hội gắn bó thành một khối; và động lực học xã hội, hay ngành nghiên cứu những nguyên nhân biến đổi xã hội. Ông cho rằng, những nguyên lý xã hội tiềm tàng là chủ nghĩa vị kỷ cá nhân, nó được cổ vũ bởi sự phân công lao động, và sự kết hợp các nỗ lực và sự duy trí xã hội gắn kết bằng phương tiện nhà nước.
Ông trình bày ý tưởng về xã hội thực chứng lý tưởng trong tác phẩm Hệ thống chính thể thực chứng của ông. Ông tin rằng, tổ chức của giáo hội Công giáo La Mã, thoát ly khỏi thần học Cơ Đốc giáo, có thể cung cấp một kiểu mẫu về cấu trúc và biểu tượng cho xã hội mới, mặc dù Comte thay thế ''tôn giáo nhân loại'' cho việc thờ phụng Chúa. Việc điều hành chính quyền và kinh tế thực sự sẽ nằm trong tay giới kinh doanh và ngân hàng, trong khi việc gìn giữ đạo đức sẽ do các bà vợ và bà mẹ đảm trách
Những dự án cho một xã hội tương lai của ông được mô tả là buồn cười và Comte rất phản động trong quan điểm chống đối dân chủ, chủ trương tôn ti trật tự và tuân phục, và quan điểm cho rằng, chính quyền lý tưởng sẽ được cấu thành bởi giới tinh hoa trí thức. Nhưng những ý tưởng của ông đã ảnh hưởng đến các nhà khoa học như Emile Durkheim (Pháp). Herbert Spencer và Sir Idward Tylor (Anh). Niềm tin vào tầm quan trọng của xã hội học như một ngành nghiên cứu khoa học về xã hội loài người vẫn lan truyền trong giới các nhà xã hội học đương thời, và công trình mà ông đạt được vẫn là một tổng hợp đáng chú ý và là một hệ thống tư tưởng quan trọng.
NHỮNG TÁC PHẨM CHÍNH
Cours de philosophie positive (1830 - 1842; Những bài giảng về triết lý thực chứng)
Système de politique positive (1851 - 1854; Hệ thống chính thể thực chứng)
(Sưu tầm)