Thứ Sáu, 30/01/2015 14:38

 

Francis Herbert Bradley (Nguồn Internet)

 

Tiểu Sử

Francis Herbert Bradley (30/1/1846 – 18/9/1924), triết gia Anh, sinh tại Clapham, Surrey, Anh (bây giờ là một phần của Greater London). Ông là con của một mục sư giáo phái Phúc âm. Năm 1865, ông theo học tại University College, Oxford. Bradley là thành viên chính của trường phái duy tâm Anh, chịu ảnh hưởng mạnh mẽ hai triết gia Đức Kant và Hegel và nổi tiếng với phương pháp tiếp cận đa nguyên đối với triết học. Quan điểm đa nguyên của ông nhìn thấy sự thống nhất siêu vượt lên sự phân chia giữa triết học đạo đức,  lịch sử, lôgic, tri thức luận, siêu hình học và tâm lý học.

 

Một dặc điểm của phương pháp tiếp cận có tính triết lý là kỹ thuật phân biệt sự mơ hồ bên trong ngôn ngữ, nhất là trong các từ đơn lẻ. Kỹ thuật này có thể được xem như báo trước những tiến bộ về sau của triết học ngôn ngữ.

 

Từ năm 1870 đến cuối đời, Bradley là thành viên trong ban giám hiệu trường Merton College, Oxford. Ông bị bệnh thận nặng từ năm 1871 và không bao giờ hồi phục khiến ông phải sống xa lánh mọi người. Sự kiện này, cộng với phong cách văn chương mãnh liệt, niềm yêu thích sự mỉa mai, việc ông dâng tặng ba cuốn sách cho một người đàn bà vô danh và vinh quang của nhà triết học duy tâm Anh vĩ đại nhất kể từ Berkeley, đã phủ một màn bí ẩn lên đời riêng của ông.


Triết học


  Đóng góp quan trọng đầu tiên của Bradley vào triết học là việc xuất bản cuốn sách mỏng ''Những tiền đề của lịch sử phê phán'' vào năm 1874. Mặc dù không được nhiều người biết đến lúc bấy giờ, nhưng tác phẩm đã tác động đến tư tưởng của R. G. Collingwood mà tri thức luận về lịch sử của ông cũng như của Bradley, chứng tỏ sự hoài nghi về những sự kiện lịch sử và uy lực của bằng chứng, và nó đã gieo ảnh hưởng đáng kể về sau. Những quan điểm của Bradley được truyền cảm hứng từ việc đọc tác phẩm của các nhà phê bình kinh thánh Đức. Những quan điểm như vậy rất nổi bật bởi vì trong các nghiên cứu tôn giáo, sự lưỡng lự là thích hợp khi chỉ xét bề ngoài việc chứng nhận những điều kỳ diệu vi phạm các quy luật tự nhiên. Nhưng nỗ lực của Bladley mở rộng sự lưỡng lự này đến những tường trình lịch sử nói chung lại đánh giá thấp sự khác biệt giữa sự đồng dạng của tự nhiên và sự đa dạng của lịch sử con người.

 

Mặc dù luận chứng bao quát của tác phẩm đó không thể được coi là thỏa đáng, tuy vậy, nó vẫn đáng đọc vì như lời giới thiệu ngắn gọn ý nghĩa lịch sử và vì giá trị của nó đi vào tư tưởng Bradley.

 

Mục tiêu của tác phẩm quan trọng đầu tiên của Bradley Những khảo cứu đạo đức (1876), không phải là đưa ra sự hướng dẫn xử trí những vấn đề luân lý thực hành (Bradley cho đó là ngụy biện), mà là giải thích cái gì làm cho đạo lý trong ý thức của mỗi cá nhân và trong những thiết chế xã hội trở nên khả hữu. Bradley nghĩ rằng, đó là sự kiện các tác nhân đạo đức lấy đạo đức làm cứu cánh trong bản thân nó, đòi hỏi đồng nhất ý chí của họ với lý tưởng (được đưa ra một phần bởi địa vị xã hội của học và sau đó chuyển lý tưởng đó thành thực tại thông qua hành động Bradley gọi quá trình này là ''tự thực hiện''. Ông cho rằng, các tác nhân đạo đức có thể thực hiện bản ngã tốt của họ chỉ bằng cách trấn áp bản ngã xấu của họ, từ đó ông kết luận rằng, đạo lý có thể không bao giờ được thực hiện một cách trọn vẹn, bởi vì thực hiện một bản ngã tốt đòi hỏi phải có một bản ngã xấu. Vì lý do này Bradley tin rằng, ý thức đạo đức sẽ phát triển thành ý thức tôn giáo mà trong quan niệm thế tục hóa của ông về Ki-tô giáo, nó đòi hỏi phải khao khát bản ngã tự nhiên của con người thông qua niềm tin vào sự tồn tại thực tế của lý tưởng đạo đức.

 

Trong Những khảo cứu đạo đức, Bradley nhận rằng, sự biện hộ đầy đủ cho đạo đức học của ông đòi hỏi một hệ thống siêu hình học, cái mà lúc bấy giờ ông chưa có. Phần lớn công việc còn lại của Bradley là nỗ lực đưa ra một phác thảo cho một hệ thống như thế bằng cách giải quyết điều mà ông gọi là ''vấn đề lớn về sự tương quan giữa tư tưởng và thực tại''. Thoạt tiên, ông đương đầu với vấn đại này trong Những nguyên tắc của lôgic học (1883), một công trình mô tả tư tưởng của ông. Ông đem tư tưởng vào những phán đoán và chúng được phân biệt với những hoạt động tinh thần khác thông qua đúng sai. Điều này có thể thực hiện được bởi một thực tế rằng, những nội dung của chúng (mà Bradley gọi là ý tưởng) đại diện cho thực tại. Một vấn đề nảy sinh vì các ý tưởng là những khái niệm phổ biến, và do đó đại diện cho các loại sự vật, trong khi bản thân sự vật là những cá thể. Bradley giải quyết vấn đề này bằng cách phân biệt giữa các hình thức lôgic và văn phạm của một phán đoán và lập luận rằng, mọi phán đoán đều có hình thức lôgic của câu điều kiện. Chúng khẳng định những liên kết phổ quát giữa các phẩm tính tồn tại trong thực tế. Những phẩm tính là những khái niệm phổ biến, những liên kết giữa chúng là có điều kiện, trong khi thực tại là một toàn thể riêng lẻ mà chúng ta tiếp xúc bằng kinh nghiệm tức thì. Theo ông, tất chỉ những phán đoán là những khái niệm được trừu tượng hóa từ một kinh nghiệm tức thì, không kinh nghiệm nào giống kinh nghiệm nào. Vì rằng các phán đoán chắc chắn có liên quan với nhau, nên chúng không biểu tượng một cách chính xác cho thực tại không liên quan và do vậy không đạt đến chân lý. Từ đó, Bradley kết luận rằng, trái với những gì mà một số người đương thời mang tư tưởng Hegel nhiều hơn ông đã phát biểu, tư tưởng không đồng nhất với thực tại.

 

Một số ý tưởng siêu hình học của Bradley được trình bày để biện hộ cho triết học đạo đức của ông. Chẳng hạn, ông tuyên bố rằng, bản ngã là một khái niệm phổ biến cụ thể và rằng, những học thuyết luận lý mà ông phê phán bị tổn hại bởi sự dựa dẫm của chúng vào những ý niệm trừu tượng về bản ngã. Bản ngã là phổ quát ở chỗ nó giữ lại bản nguyên của nó qua thời gian và thông qua nhiều hành động khác nhau. Như vậy bản ngã gom lại một loạt những cái đặc thù trừu tượng tạo thành lịch sử của nó, phần nào đó giống với lịch sử mà trong đó phổ biến niệm trìu tượng màu đỏ gom lại những trường hợp cá lẻ tản mác của nó (ngày nay gọi là ẩn dụ và ví von; nó là cụ thể vì rằng, khác với màu đỏ, nó là một cá vật không trừu tượng có thực. Để cho những tuyên bố như vậy có sức thuyết phục trọn vẹn, một hệ thống trong đó những ý tưởng siêu hình học cơ bản được triển khai đầy đủ là cần thiết, như chính ông thừa nhận. Nhưng về sau, cách nó ''khái niệm phổ biến cụ thể'' hầu như biến mất khỏi từ vựng của Bradley, và nó xuất hiện trở lại dưới hình thức của chủ đề tái diễn liên tục; theo đó trừu tượng là xuyên tạc và dưới hình thức này nó là trọng tâm đối với lôgic học và siêu hình học của ông.

 

Biểu hiện và thực tại (1893) chia thành hai cuốn. Cuốn I, ''Biểu hiện”, ngắn gọn, và mục đích là hủy phá. Bradley cho rằng ''những ý tưởng mà chúng ta dùng để nhận thức vũ trụ'' đưa chúng ta đến những mâu thuẫn khi chúng ta cố nghĩ ra những hàm ẩn của chúng. Một vài ý tưởng này đặc biệt thuộc về triết học, như quan niệm cho rằng những phẩm tính chủ yếu mới hiện thực; nhưng ý tưởng khác, chẳng hạn như nguyên nhân, chuyển động, bản ngã, không gian thời gian, sự vật, được triển khai trong đời sống hằng ngày. Gọi một cái gì đó là biểu hiện Bradley chủ yếu muốn nói rằng, khái niệm của nó chỉ cho chúng ta một cách tư duy hữu dụng về một số khía cạnh của thế giới mà vì sự rời rạc của nó khiến chúng ta không thể có được một sự nắm bắt trọn vẹn. Ví dụ, một cái gì trong tuyệt đối tương ứng với thời gian, nhưng nó không giống thời gian, khi chúng ta hình dung về nó một cách thông thường, đến nỗi khi được hình dung như thế nó là một ảo tưởng. Tuy nhiên, thực tại (như thuộc tính) là vấn đề mức độ, nghĩa là, những khái niệm của chúng ta là đúng về thực tại (như sự vật) trong những mức độ khác nhau. Khái niệm về tuyệt đối thích đáng hơn khái niệm về thời gian, nhưng cả hai đều chỉ là cách chúng ta cố nắm bắt cái mà trí tuệ không thể nắm bắt đầy đủ. Điều này được chứng minh bằng hai luận cứ chính, thứ nhất, thực tại phải có tính thống nhất không thể nắm bắt bằng khái niệm thông thường về nhiều sự vật dị biệt trong tương quan, thứ hai, mọi thực tại cụ thể dù gì cũng phải có tính tâm thần trong bản chất của nó.

 

Cuốn II, ''Thực tại'', dài hơn; mục tiêu của nó là đưa ra một miêu tả tích cực về cái Tuyệt đối – cái thực tại tối hậu, vô điều kiện như chính bản thân nó chứ không bị xuyên tạc vì sự phòng chiếu tư tưởng thông qua những cơ cấu khái niệm của tư duy. Ông tuyên bố rằng, những biểu hiện sở dĩ mâu thuẫn là vì chúng bị tư duy trìu tượng hoà từ kinh nghiệm tức thì mà chúng là thành phần. Các biểu hiện tạo nên nội dung của toàn thể này, trong quan niệm của Bradley, là kinh nghiệm. Nói cách khác, thực tại là kinh nghiệm trong toàn thể tính của nó. Bradley gọi thực tại tổng hoà, nhất quán, bao gồm mọi thứ này là ''Tuyệt đối''.

 

Thực tại là kinh nghiệm, tất cả, ngay cùng một lúc, trộn lẫn hài hòa. Bradley bảo vệ quan điểm này bằng những yêu chuẩn cho thực tại của ông. Ông tuyên bố thực tại không tự mâu thuẫn; bất kỳ cái gì tự mâu thuẫn thì chỉ là biểu hiện chứ không phải thực tại Bradley dựa vào luận cứ sự thoái lui vô tận, ngày nay gọi là sự thoát lui Bradley, để khẳng định rằng, các tương quan và tất cả hiện tượng tương quan, trong đó có tư tưởng, đều tự mâu thuẫn. Chúng là biểu hiện chứ không phải thực tại.

 

Ngày nay, Bradley được nhớ đến chủ yếu vì luận chứng chống lại thực tại của các tương quan, như một triết gia khởi phát cuộc cách mạng của Russell và Moore trong triết học. Ông sẽ còn được nhắc đến nhiều hơn với tư cách một người tạo nền móng cho triết học thế kỷ 20 bằng cách đặt những kết luận siêu hình học của mình trên cơ sở mô tả những hình thức lôgic của phán đoán.

 

Những tác phẩm chính.

 

            Ethical studies (1876; Những khảo cứu đạo đức)


            The Principles of Logic (1883; Những nguyên tắc của lôgic học)


            Appearance and Reality (1893; Biểu hiện và thực tại)

 


(Sưu tầm)