Thứ Sáu, 24/10/2014 17:34
Leonhard Euler là nhà toán học có sức làm việc phi thường nhất từng được biết đến. Các công trình khoa học mà ông để lại nhiều vô số và thuộc về nhiều ngành khoa học khác nhau. Trong con người ấy ẩn chứa một sức mạnh trí tuệ và tinh thần ít ai có được. Đối với ông, khoa học cũng cần như khí thở vậy.
Ảnh minh hoạ (Nguồn Internet)
Chúng ta đã từng biết đến đường tròn Euler, đường thẳng Euler ... Đó chính là những phát hiện khoa học nổi tiếng của Euler và được mang tên ông. Con đường toán học không phải là con đường đầu tiên Leonhard Euler lựa chọn cho mình khi bước vào đại học năm mới tròn 13 tuổi. Năm 1720, ông đến với đại học Basel theo học khoa thần học. Song sau đó ít lâu, Euler nhận ra toán học mới là niềm đam mê của mình, do đó, ông chuyển sang học toán. Sự lựa chọn đúng đắn ấy đã khiến Euler trở thành một người cống hiến được rất nhiều cho nhân loại. Leonhard Euler sinh ngày 15 tháng 4 năm 1707 tại Basel, Thụy Sỹ. Ông tỏ ra thông minh hơn hẳn các bạn cùng trang lứa và đã có thể vào đại học ngay khi mới 13 tuổi. Điều đó thật khác thường.
Ông cũng sớm được nhận bằng cao học năm 17 tuổi tại trường đại học Basel. Năm 20 tuổi, nhận lời mời của Nữ hoàng Catherine Đệ Nhất của Nga, ông gia nhập Viện Hàn lâm Khoa học St. Petersburg - một Viện Hàn lâm mới thành lập và hội tụ được rất nhiều gương mặt sáng giá trong khoa học Trung và Tây Âu. Tại đây, Leonhard Euler đã từng làm các đồng nghiệp của ông phải ngạc nhiên vì sức làm việc dẻo dai và cường độ làm việc rất cao của ông. Năm 1735, khi Viện hàn lâm St. Petersburg phải tiến hành tính toán thiên văn để thiết lập bản đồ, Leonhard Euler đã đảm nhận với thời hạn ba ngày một khối lượng công việc mà các viện sĩ khác phải mất mấy tháng mới có thể hoàn thành. Và ông đã gây một niềm kinh ngạc lớn cho mọi người khi hoàn thành khối lượng công việc ấy trước cả thời hạn mà mọi người vẫn nghĩ là quá ngắn ngủi, ông chỉ mất đúng một ngày, một đêm.
Có lẽ chính vì những lần tập trung làm việc quá sức ấy mà Leonhard Euler đã sớm bị hỏng mất một mắt. Tuy con mắt bên phải không còn nhưng Leonhard Euler vẫn không hề giảm khối lượng công việc xuống, thậm chí ông còn càng ngày càng tăng cường làm việc. Các công trình mới vẫn liên tục được công bố từ quá trình làm việc không biết mệt mỏi của con người ấy.
Danh tiếng của Leonhard Euler đã vang xa, tới tận tai của Vua Friedrich Đệ II của nước Phổ. Năm 1741, Vua Friedrich Đệ II của nước Phổ tìm cách lôi kéo ông rời khỏi nước Nga và mời ông gia nhập Viện hàn lâm khoa học Berlin. Tại Berlin, Leonhard Euler đã tiếp tục công việc nghiên cứu của mình một cách liên tục và vô cùng năng suất. Ông không chỉ chăm chú với hoạt động sáng tạo mà còn tham gia công tác lãnh đạo giới toán học và đóng góp cho công tác tổ chức, quản lý hành chính. Dù rời khỏi nước Nga nhưng ông vẫn duy trì thường xuyên mối liên hệ với Viện Hàn lâm St. Petersburg. Chính M.V, Lomonosov - nhà bác học Nga trẻ tuổi và tài năng, người được mệnh danh là người cha của nền khoa học Nga là một trong số những người nhận được sự dìu dắt của Leonhard Euler về khoa học bằng việc trao đổi thư từ.
Năm 1766, Leonhard Euler quay trở lại St. Petersburg lần thứ hai theo một thỏa thuận với nữ hoàng Nga Catherine Đệ Nhị. Sự thay đổi môi trường làm việc không hề làm giảm sút khối lượng công việc của nhà khoa học ấy. Ông vẫn ngày đêm toàn tâm toàn ý với các công trình mới của mình. Euler không quan tâm ngay đến chính sức khỏe của bản thân ông, do đó bốn năm sau, tức năm 1770, ông bị mất nốt con mắt còn lại. Những đau buồn chưa chấm dứt ở đó. Tiếp ngay sau đó, một loạt bất hạnh đã xảy đến với Leonhard Euler. Trong một cơn hỏa hoạn, nhà ông đã bị thiêu trụi cùng tất cả tài sản, người vợ thân yêu của ông cũng qua đời. Leonhard Euler trở nên suy sụp nghiêm trọng về tinh thần. Nhưng với bản lĩnh của một nhà khoa học, với lòng thiết tha với khoa học, Leonhard Euler đã gượng dậy và tiếp tục làm việc không ngừng nghỉ. Lúc này, ông không thể tự ghi chép lại những ý tưởng khoa học trong đầu nên ông buộc phải nhờ đến sự trợ giúp của người thư ký. Dường như, chính khoa học là nguồn động lực mạnh mẽ khiến Leonhard Euler tiếp tục sống và làm việc. Sức sáng tạo của ông không vì những hao tổn về sức khỏe và tinh thần làm giảm sút. Ông đọc hết công trình này đến công trình khác cho người ta ghi chép lại. Từ năm 1766 cho đến lúc qua đời, ông để lại 416 công trình, nghĩa là trung bình mỗi năm ông viết 25 công trình (trong khi trước đó ông chỉ viết 7 đến 14 công trình mỗi năm). Rõ ràng, sức làm việc của Leonhard Euler tăng tiến theo thời gian. Ông tựa như một người đi ngược chiều gió song càng ngược chiều, ông càng đi nhanh hơn bao giờ hết. Sức làm việc của ông thật đáng nể phục!
Những con số về các công trình của ông luôn đem lại những ngạc nhiên lớn cho mọi người. Ngay đến những công trình ông chưa công bố cũng nhiều vô số kể. Khi ông mất, số công trình chưa công bố này được đăng trên tạp chí của Viện Hàn lâm đến 80 năm sau mới hết. Con số này gấp tới 4 lần con số mà chủ tịch Viện Hàn lâm Petersburg yêu cầu ông trước lúc ông qua đời.
Năm 1911, toàn bộ các công trình của Leonhard Euler được in thành sách với tên đề: Leonhardi Euleri Opera Omnia gồm 85 quyển cỡ lớn với gần 40.000 trang. Tác phẩm này bao hàm nhiều lĩnh vực khoa học mà Leonhard Euler quan tâm. Theo nhà nghiên cứu lịch sử kỳ cựu của Liên Xô A.P. Yuskevich thì 40% nghiên cứu của Euler dành cho đại số, lí thuyết số và giải tích, 18% cho hình học, 28% cho cơ học và vật lý, 11% cho thiên văn. Phần còn lại dành cho lý thuyết đường đạn, bản đồ, tàu thuyền, xây dựng, lý thuyết âm nhạc, thần học và triết học.
Euler gần như chiếm lĩnh mọi khía cạnh của toán học ứng dụng và toán học thuần túy. Ông cũng rất giỏi trong việc ứng dụng các định luật chung của ngành vật lý mà Isaac Newton đã hình thành trong thế kỉ trước. Ví dụ như Euler đã nghĩ ra phương trình thủy động lực học bằng cách ứng dụng những định luật của Newton đối với chuyển động của chất lỏng. Ông cũng đã phát triển được các phương trình xác định chuyển động của một vật thể rắn dựa trên các nguyên tắc mà Newton đã khám phá ra về những chuyển động có thể của một vật thể rắn. Euler cũng vận dụng khả năng toán học của mình vào việc nghiên cứu các vấn đề thiên văn học. Ông là nhà khoa học duy nhất của thế kỉ 18 ủng hộ thuyết sóng ánh sáng.
Ngoài ra, chính Leonhard Euler là người đã đưa ra rất nhiều ký hiệu toán học mà chúng ta vẫn dùng đến ngày nay như: Số π, Số i (), sin, cos, tag, cotag, Σ (tổng), Δx (số gia), ....
Những công trình của Leonhard Euler đã góp phần phát triển nền khoa học hiện đại sau này. Các phát kiến của ông hầu hết đều được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực khác nhau của khoa học.
Dù cuộc đời Leonhard Euler trải qua rất nhiều biến động và phải chịu nhiều bất hạnh trong cuộc sống riêng nhưng những điều đó không hề làm ông chùn bước. Ông là tấm gương sáng cho thế hệ sau về sức cống hiến và lòng đam mê khoa học. Ngày 18 tháng 9 năm 1788, nhà khoa học cần mẫn ấy đã ngừng làm toán và trút hơi thở cuối cùng. Những gì ông để lại vẫn luôn được hậu thế nâng niu và trân trọng không chỉ vì giá trị thực tế của nó mà còn bởi giá trị tinh thần to lớn ẩn chứa bên trong.
(Sưu tầm)