Thứ Hai, 05/01/2015 13:03

Theo tính toán của một DN sản xuất TĂCN lớn tại Việt Nam, giá bán TĂCN năm 2015 sẽ vẫn vào khoảng trên 10.000 đồng/kg (so với 10.154 đồng/kg vào thời điểm cuối năm 2014). 

 

Từ ngày 1/1/2015, thức ăn chăn nuôi (TĂCN) sẽ không nằm trong diện phải chịu thuế giá trị gia tăng (VAT). Nhiều ý kiến thời gian qua cho rằng theo đó, giá TĂCN cũng sẽ được giảm 5%. Tuy nhiên trên thực tế thì việc bỏ thuế VAT đối với TĂCN sẽ không làm giá TĂCN giảm nhiều.

 

Cụ thể theo các DN sản xuất TĂCN lớn cho biết: Trong năm 2014, có 4 loại nguyên liệu đầu vào trong SX TĂCN bao gồm ngô, sắn, cám gạo, tấm (chiếm khoảng trên 40% chi phí nguyên liệu đầu vào) đã được miễn thuế VAT.

 

Tuy nhiên, vẫn còn 6 loại nguyên liệu – nhóm nguyên liệu TĂCN đầu vào trong SX TĂCN (chiếm khoảng 60% chi phí nguyên liệu đầu vào) vẫn còn phải chịu thuế VAT bao gồm: Khô đậu tương; bã cải; DDGS; bột thịt xương (cùng chịu VAT 5%) và nhóm các nguyên liệu phụ gia, chi phí SX, bao bì cùng chịu thuế VAT từ 5-10%. Cụ thể, theo tiết lộ của một DN TĂCN, giá thành của 1kg TĂCN bình quân năm 2014 (chưa bao gồm thuế VAT) vào khoảng 9.170 đồng, trong đó: Tổng chi phí đầu vào của nhóm nguyên liệu phải chịu thuế VAT là khoảng xấp xỉ 5.700 đồng; tổng chi phí của nhóm nguyên liệu đầu vào không phải chịu thuế VAT là khoảng 3.470 đồng. Nếu cộng thêm 5% thuế VAT đầu ra, cùng lợi nhuận bình quân mà DN thu được khoảng 500 đồng/kg, thì giá 1kg TĂCN tới tay người chăn nuôi sẽ vào khoảng 10.154 đồng. Trong đó, số tiền thuế 5% VAT tăng thêm sẽ vào khoảng 458,5 đồng/kg (9.170 đồng/kg giá thành x 5% VAT = 458,5 đồng). Từ ngày 1/1/2015, sản phẩm TĂCN mà DN sản xuất TĂCN bán ra sẽ không còn phải chịu thuế 5% VAT, thế nhưng không có nghĩa là toàn bộ khoản thuế VAT chiếm 5% giá thành như vừa nêu sẽ được bãi bỏ (đồng nghĩa với việc giá TĂCN sẽ giảm 5% như suy nghĩ của nhiều người), mà thực ra giá bán sẽ chỉ được giảm một chút không đáng kể. Vì sao vậy?

 

 Tóm lại, việc bỏ thuế VAT đối với TĂCN thành phẩm chỉ giúp giá TĂCN giảm rất nhẹ (theo dự đoán khoảng 1 đến dưới 2% so với trước đó), chứ hoàn toàn không phải giảm 5% y như mức thuế VAT bị xóa bỏ.

 

Nguyên nhân là theo quy định, đối với nhóm chi phí phải chịu thuế VAT đầu vào (khoảng 5.700 đồng/kg như đã nêu), khoản thuế 5% VAT phải cộng thêm vào sản phẩm khi bán ra sẽ vào khoảng 285 đồng/kg (5.700 x 5%=285 đồng). Do thuế VAT được đánh vào người tiêu dùng cuối cùng (cụ thể ở đây là người chăn nuôi) nên theo quy định, khoản thuế này các DN sản xuất TĂCN sẽ được hoàn lại.

 

Kể từ ngày 1/1/2015, do không còn áp dụng thuế 5% VAT đối với sản phẩm TĂCN bán ra thị trường, nên đồng nghĩa với việc DN sản xuất TĂCN sẽ không còn được hoàn lại khoản thuế đối với nhóm nguyên liệu phải chịu thuế VAT đầu vào này nữa. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là DN sản xuất TĂCN sẽ chịu thiệt. Bởi do 6 loại nguyên liệu – nhóm nguyên liệu và vật tư đầu vào (như đã nêu đầu bài) từ năm 2015 sẽ vẫn chịu mức thuế VAT tương tự như năm 2014. Vì vậy theo quy định, DN sản xuất TĂCN sẽ vẫn cộng thêm khoản thuế 5% (khoảng 285 đồng/kg) đối với nhóm nguyên liệu chịu thuế VAT đầu vào này vào giá bán sản phẩm, đồng thời họ chỉ cần đăng ký lại giá bán sản phẩm trước thuế và giá bán sản phẩm sau thuế với cơ quan thuế. Điều này có nghĩa là người chăn nuôi sẽ vẫn phải chịu thuế 5% VAT đối với khoảng 60% chi phí trong giá thành nguyên liệu đầu vào của TĂCN. Như vậy, kể từ 1/1/2015, người chăn nuôi sẽ chỉ không còn phải gánh vác khoản thuế 5% VAT đối với 4 loại nguyên liệu đầu vào trong SX TĂCN bao gồm ngô, sắn, cám gạo, tấm (chiếm khoảng trên 40% chi phí nguyên liệu đầu vào, tương đương khoảng hơn 173 đồng/kg).

 

Theo tính toán của một DN sản xuất TĂCN lớn tại Việt Nam, giá bán TĂCN năm 2015 sẽ vẫn vào khoảng trên 10.000 đồng/kg (so với 10.154 đồng/kg vào thời điểm cuối năm 2014). Như vậy theo tính toán, mỗi kilogram TĂCN tới tay người chăn nuôi sẽ chỉ giảm khoảng hơn 150 đồng, tương đương khoảng hơn 1,5% so với năm 2014.

 

Theo Nông Nghiệp Việt Nam ngày 31/12/2014

 




Tin cũ hơn: