Thứ Tư, 21/01/2015 08:54
Khoảng một tháng nay, tiết trời lạnh kèm theo một vài cơn mưa, nắng xen kẽ dễ tạo điều kiện cho mầm bệnh bộc phát. Nắm được quy luật này, người chăn nuôi gia cầm trên địa bàn tỉnh đã chủ động trong công tác phòng bệnh cho vật nuôi.
Mùa lạnh, chủ động phòng chống dịch bệnh bằng cách tiêm phòng, giữ ấm sẽ bảo vệ tốt vật nuôi.
Huyện Vị Thủy có tổng đàn gia cầm hơn 620.000 con, trong đó, có nhiều mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ, nuôi vịt chạy đồng nên việc chủ động phòng chống tái phát dịch cúm lúc mùa lạnh là rất cần thiết. Ông Nguyễn Hoàng Vỹ, Trưởng trạm Thú y huyện Vị Thủy cho biết: Trạm đã thường xuyên cử cán bộ thú y cơ sở bám địa bàn, thống kê số lượng gia cầm phát sinh và đến thời gian tái chủng để tiêm phòng vắc-xin phòng bệnh cúm H5N1. Ngoài ra, ngành luôn chú trọng công tác tuyên truyền, vận động người dân chôn hoặc thiêu hủy gia cầm chết, không nên vứt xác xuống sông, kênh, rạch và khử trùng chuồng trại để tránh lây lan.
Mấy ngày nay, trên địa bàn huyện Vị Thủy có một số gia cầm chết rải rác được xác định là bệnh tụ huyết trùng, cầu trùng và bệnh cúm thông thường do lạnh. Trong số các loại bệnh thì cúm gia cầm là nguy hiểm nhất vì gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi và đặc biệt là lây lan sang người, do đó, hầu hết người chăn nuôi đang tập trung bảo vệ đàn vật nuôi của gia đình mình. Như anh Lê Hoàng Anh, ở xã Vị Thắng nhờ chuẩn bị tốt chuồng trại trong mùa lạnh này mà 1.000 con gà giống Bến Tre lai không bị hao hụt và khoảng 10 ngày nữa là xuất bán 500 con. Anh Hoàng Anh chia sẻ: “Ngoài việc tiêm phòng bệnh cho gà theo lịch, tôi còn thường xuyên theo dõi biểu hiện của gà để kịp thời phát hiện bệnh. Do nguồn vốn đầu tư khá nhiều nên phải luôn làm tốt công tác phòng dịch thì mới mong bảo vệ được đàn gia cầm”.
Còn ông Thân Hoàng Vũ, ở xã Vị Thủy, mặc dù có làm chuồng, bao lưới, sử dụng trấu làm đệm lót để giữ ấm, nhưng đàn gà 200 con được 1,5 tháng tuổi bị hao hụt 1/4. Ông vừa chôn, khử trùng gà chết theo hướng dẫn của cán bộ thú y. Ông Vũ cho biết: “Đàn gà có chết rải rác từ khi tiết trời lạnh cho đến nay. Tôi đã bổ sung thêm kháng sinh, vitamin trộn vào thức ăn nhưng thời tiết nóng, lạnh xen kẽ khiến những con gà yếu bộc phát bệnh”.
Còn ở thành phố Vị Thanh, cán bộ thú y cơ sở cũng thường xuyên đi địa bàn để theo dõi số lượng gia cầm gia tăng hoặc đến hạn tái chủng. Anh Đào Văn Hòa, cán bộ thú y xã Hỏa Lựu, cho biết: “Mấy ngày nay, nhiều hộ chăn nuôi gia cầm, thủy cầm đã sửa chữa chuồng trại để bảo vệ vật nuôi. Nhiều hộ cũng lo lắng, chạy lên nhờ tiêm phòng cúm H5N1”. Chị Thị Thà, ở ấp Thạnh Trung, xã Hỏa Lựu cũng vừa tiêm vắc-xin ngừa cúm gia cầm cho hơn 100 con gà nòi thả vườn nhà mình. Mặc dù chăn nuôi với quy mô nhỏ, nhưng chị vẫn ý thức được công tác phòng chống bệnh cho vật nuôi. Bên cạnh đó, chị còn chủ động làm chuồng cho gà vào trú ban đêm. Chị giải thích: “Giống gà này thích ngủ trên cây, nhưng tôi thấy thời tiết bây giờ biến đổi bất thường nên làm chuồng cho an tâm”.
Một vấn đề nữa là số hộ nuôi vịt chạy đồng ở xã Hỏa Lựu hiện nay cũng khá nhiều, do đó việc quản lý vịt chạy đồng, tiêm phòng vắc-xin ngừa bệnh cúm luôn được người chăn nuôi ở đây quan tâm. Anh Nguyễn Văn Hạnh, ở ấp Thạnh Bình, cho hay: “Mỗi năm, tôi đều tiêm phòng bệnh đầy đủ trên đàn vịt 1.200 con của mình. Bởi làm tốt công tác tiêm phòng cúm gia cầm đã giúp gia đình tôi tránh những thiệt hại về kinh tế, thuận lợi hơn khi di chuyển đồng xa”. Ngoài việc tiêm chủng cho vịt, khi hết mùa chạy đồng, nuôi nhốt vịt tại địa phương, anh Hạnh thường trộn kháng sinh, vitamin C để tăng cường sức đề kháng cho vịt. Ngoài ra, anh còn bố trí 2 căn chòi cho vịt trú lúc trời lạnh, tránh sương đêm. Việc này đã giúp anh giữ vững số lượng vật nuôi mà gián tiếp là hạn chế tối đa bộc phát bệnh, lây lan cho địa phương.
Theo ông Trương Ngọc Trưng, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hậu Giang, hiện nay tình trạng phát bệnh trên đàn gia cầm đã hạn chế, bởi có cán bộ thú y bám địa bàn, tuyên truyền hộ nuôi tiêm chủng cúm miễn phí. Ngoài ra, nhà nước còn hỗ trợ tiền mua lại con giống nếu không may vật nuôi bị phản ứng thuốc sau 36 giờ tiêm phòng. Chính vì vậy mà nông dân cũng nâng dần được ý thức phòng chống bệnh, bảo vệ đàn gia cầm, thủy cầm.
Trong chăn nuôi với số lượng lớn như hiện nay thì việc tiêm phòng là rất cần thiết. Ngoài ra, nếu người chăn nuôi nắm được quy luật gây bệnh trên vật nuôi lúc thời tiết giao mùa, chủ động phòng chống trước thì sẽ hạn chế được tối đa bệnh tật, thất thoát làm thiệt hại đến kinh tế gia đình.
Theo Báo Hậu Giang ngày 16/1/2015