Thứ Tư, 07/01/2015 09:30
So với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Bến Tre có số lượng heo chăn nuôi khá lớn, trên 500 ngàn con với phẩm cấp giống khá tốt. Đàn gia cầm thường xuyên có khoảng 4 đến 5 triệu con với chủng loại đa dạng, chủ yếu là giống địa phương, phẩm chất khá tốt. Tuy nhiên, đa số sản xuất dưới hình thức nông hộ, quy mô còn nhỏ lẽ và mức độ đầu tư về cơ sở vật chất chưa cao, chưa có quy hoạch khu chăn nuôi riêng. Vì vậy, việc bảo đảm vệ sinh môi trường trong chăn nuôi nhằm hạn chế dịch bệnh cho vật nuôi, bảo đảm vệ sinh môi trường và sức khỏe cộng đồng luôn được đòi hỏi bức thiết.
Hiện nay, phong trào nuôi gà thả vườn theo hướng an toàn sinh học đang phát triển và mang lại hiệu quá kinh tế rất cao cho bà con nông dân. Tuy nhiên việc thu gom và xử lý chất thải trong chăn nuôi vẫn chưa được thực hiện triệt để, chưa có giải pháp đồng bộ và mang tính bền vững. Nhằm giải quyết tốt việc xử lý chất thải, góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, bà con nông dân ở một số nơi đã sử dụng chế phẩm sinh học Balasa N01 để xử lý mùi hôi của chất độn chuồng trong chăn nuôi gà mang lại hiệu quả cao.
Trong năm 2014, Trung tâm khuyến nông khuyến ngư đã cùng Trạm khuyến nông – khuyến ngư Giồng Trôm phối hợp với chính quyền địa phương xã Thuận Điền xây dựng mô hình “Chăn nuôi gà thả vườn theo hướng an toàn sinh học”.
Với mục tiêu nâng cao kiến thức cho người chăn nuôi bằng các biện pháp thực hành chăn nuôi tốt theo hướng an toàn sinh học. Trong đó, hướng dẫn người chăn nuôi ứng dụng các chế phẩm vi sinh nhằm hạn chế tối thiểu việc sử dụng kháng sinh. Tạo cho người chăn nuôi có ý thức trong việc phòng chống dịch bệnh. Đồng thời góp phần nâng cao ý thức cho người chăn nuôi về bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cho người chăn nuôi và cộng đồng xã hội.
Đồng thời, định hướng phát triển chăn nuôi gia cầm theo hướng tập trung, an toàn, bền vững và quản lý dịch bệnh, tạo ra những sản phẩm an toàn, chất lượng và đápứng nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng.
Kinh nghiệm thực tế của những hộ khi thực hiện mô hình chăn nuôi gà trên đệm lót như sau:
- Lúc úm gà con, sau 3-5 ngày thì ủ men Balasa N01 với cám gạo với tỉ lệ 1kg men và 3 kg cám gạo. Sau 1 ngày ủ đem rắc hỗn hợp này vào nền chuồng úm và đảo đều. Ngoài việc men vi sinh phân hủy tốt phân gà, nó còn giúp tăng nhiệt độ úm đều và ổn định. Vì vậy sẽ giảm lượng bóng đèn sưởi ấm cho gà con trong giai đoạn úm đáng kể.
- Cần đảo trộn chất độn chuồng thường xuyên. Đặc biệt là ở chuồng gà ngủ, do có nhiều dàn cây, gà đậu đôi khi không rãi đều mà có lúc ngủ tập trung. Vì vậy lượng phân không phân bố đều trong chuồng, cho nên cần phải đảo trộn đệm lót.
- Lớp đệm lót không nên quá dày, độ khoảng 5-10 cm là đủ. Khi đó sẽ dễ trong quá trình đảo trộn.
- Điều quan trọng là không nên để đổ nước trong nền có chất độn sẽ làm chết vi sinh, việc xử lý phân không còn hiệu quả. Vì vậy, trong chuồng gà ngủ không nên bố trí máng nước.
Qua đánh giá thực tế ở các mô hình chăn nuôi gà của một số hộ trong mô hình cho thấy kết quả như sau:
- Sản phẩm vi sinh Balasa NO1 đã giúp phân hủy phân, giảm mùi hôi thối và khí độc chuồng nuôi, tạo môi trường trong lành cho vật nuôi phát triển tốt.
- Giảm tỉ lệ mắc bệnh đặc biệt là bệnh tiêu chảy và bệnh CRD.
- Tỷ lệ sống trung bình đến xuất chuồng đạt 92%.
- Lông gà tơi xốp, mượt, sạch đẹp hơn, bán có giá cao hơn trước đây.
- Trọng lượng bình quân lúc 4 tháng tuổi: 1,6 kg/con và mức đồng đều trong đàn cao.
- Tiêu tốn thức ăn: 3,2 kg/1kg tăng trọng.
Mô hình đã được tổng kết đánh giá, kết quả rất khả quan. Kết quả đạt được sau gần 4 tháng nuôi, đàn gà tăng trọng nhanh, tỉ lệ nuôi sống đạt yêu cầu kỹ thuật, mức tiêu tốn thực ăn đạt.
Điều đáng mừng là khi áp dụng quy trình nuôi gà trên đệm lót bà con nhận thấy kết quả giảm rất đáng kể các chi phí đầu tư, kể cả công chăm sóc so với qui trình, cách nuôi truyền thống trước đây. Lợi nhuận thu được với 500 con gà sau gần 4 tháng nuôi thu được trên 20 triệu đồng. Các hộ nuôi cho biết đã giảm 75% chi phí điện úm gà con, giảm 60% công lao động, giảm 30% thuốc thú y. Đặc biệt là chi phí công quét dọn phân hàng ngày và lượng trấu phải thay thường xuyên như trước đây đã giảm đáng kể. Về hiệu quả môi trường đã giảm mùi hôi, khí độc trong chuồng nuôi và xung quanh. Điều này đã hạn chế ô nhiễm môi trường, góp phần ổn định và phát triển ngành chăn nuôi theo hướng bền vững.
Thật vậy, khi thực hiện mô hình “Chăn nuôi gà thả vườn theo hướng an toàn sinh học” với biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi bằng chế phẩm vi sinh Balasa N01 đã hạn chế ô nhiễm môi, giảm bệnh tật, góp phần tăng thu nhập cho người chăn nuôi. Điều này đã từng bước làm thay đổi phương thức chăn nuôi của người dân. Từ đó, góp phần trong việc định hướng phát triển chăn nuôi gia cầm theo hướng tập trung, an toàn, bền vững và quản lý tốt dịch bệnh, tạo ra những sản phẩm an toàn, chất lượng và đápứng nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng./.
Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Bến Tre