Thứ Tư, 11/02/2015 10:36

RICO FEED sẽ luôn tạo ra những sản phẩm chất lượng vượt trội bằng sự phục vụ với lương tâm và trách nhiệm cao nhất.


Theo dõi các kỳ trước, chúng ta chắc chắn đã hiểu được giá trị cốt lõi ấy được tạo ra từ những người khởi sự, thành lập nên RICO FEED.


Nhân vật trong kỳ này là người bạn thân của nhân vật của kỳ 5. Định mệnh đã đưa cả hai gặp nhau khi học chung lớp những năm tháng đại học. Tình bạn ấy đã trường tồn theo thời gian và với những gì cả hai để lại cho đời khiến bất cứ ai trong số chúng ta cũng ao ước có được một tình bạn như vậy.


Những tâm sự về tình bạn, tình đời dưới đây đã được chúng tôi chắp bút trong những ngày RICO FEED hân hoan chờ đợi tiệc tất niên, mừng thắng lợi trong năm 2014.


Mời quý vị cùng xem!

.............................................................

 

Sống trên đời sống, cần có một tấm lòng.
Để làm gì, em biết không?
Để gió…cuốn đi…
                                    
                    Trịnh Công Sơn

 

Khi ta sinh ra trong cuộc đời này, ai trong mỗi chúng ta cũng đều đã mắc nợ với đời. Mỗi một cuộc tình trôi qua, cũng là món nợ của nhau giữa người với người.


Những năm 1965 – 1975, vùng đất Quảng Trị là nơi diễn ra chiến sự ác liệt nhất giữa hai vùng chiến tuyến. Đây là nơi bom đạn trút xuống nhiều nhất trên đầu mỗi người dân. Suốt thời kỳ lịch sử đó, mỗi con đường, mỗi làng quê của Quảng Trị đều dày đặc với bom rơi, đạn nổ và những miền quê xơ xác, hoang tàn. Anh sinh ra ở đó!


Nhắc tới tuổi thơ, anh nói rằng mình có một tuổi thơ hết sức dữ dội bởi chiến tranh. Quen với chạy giặc nhiều hơn là quen với những trò chơi trẻ em. Anh kể: “con chó của nhà anh cũng thành thục, mỗi lần nghe tiếng đại bác ban đêm dội về là phóng nhanh vào hầm trú ẩn”. Xác chết do chiến tranh rất thê thảm. “Người chết hai lần, thịt da nát tan” (Trịnh Công Sơn). Bây giờ nghĩ lại, không biết tại sao mình sống sót…


Cũng do chiến tranh, gia đình anh di cư hết vùng này sang vùng khác, chẳng có nơi nào  lưu trú quá 3 năm. Năm 1975, gia đình anh về sống tại Suối Nghệ, một vùng quê miền núi nghèo thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Đây là nơi anh định cư lâu nhất cho đến bây giờ và đây cũng là thời gian anh trải qua cuộc sống gian khổ, đói nghèo nhất của tuổi thơ. Hai người anh phải nghĩ học để cho anh được học. Buông bút ra là cầm cuốc, làm việc nặng nhọc quần quật, miệt mài từ ruộng, rẫy đến làm rừng… Chỉ là một cậu bé nhỏ con nhưng anh làm việc như một người lớn. Nặng chưa đến 45kg nhưng có thể vác được bao bắp 70 kg…


Có người nói, nếu không có những năm tháng tuổi thơ dữ dội và khốn cùng như vậy thì chắc gì đã có một Lê Văn Hiếu bản lĩnh và thành công sau này.


Anh kể, nhớ lại ngày xưa không khỏi rùng mình. Con người ta, khi có một quá khứ được rèn luyện thử thách như vậy mà vẫn bản lĩnh vượt qua thì không có một khó khăn nào trong tương lai ngăn cản nổi. Nói đến đây anh chợt dừng lại nhìn xa xăm và nhỏ giọng: “Nhưng anh không khuyên người khác đánh đổi tuổi thơ để có được sự thành đạt như anh hôm nay. Không ai mong muốn chọn lựa tuổi thơ “dữ dội” để sau này sung sướng”. Dù rằng khi đã trải qua những ngày tháng tận cùng khó khăn đó, mọi khó khăn sau này người ta đều dễ dàng vượt qua.


Anh biết rằng chỉ có nghị lực, bản lĩnh và kiến thức mới giúp mình và gia đình thoát nghèo. Vốn sẵn là con nhà nông với niềm đam mê, yêu thích chăm sóc vật nuôi; năm 1985, anh chọn nghề nông và thi đậu vào trường ĐH Nông Nghiệp IV.


Trong 4,5 năm đi học đại học, thiếu thốn đủ bề, lúc nào cũng thấy đói. Đêm nằm ngủ cũng mơ thấy chén chè. Vốn là người lãng mạn, anh cười: “ngay cả giấc mơ cũng ngọt ngào”.


Lên thành phố, một anh chàng dân quê mộc mạc, giản dị, vụng về, ngang tàng trong thời sinh viên này lại gặp và chơi thân với Thân Trung Tín, một người gốc thành phố: “trẻ tuổi hơn nhiều nhưng trí tuệ sắc sảo, điềm đạm, học rất giỏi và nhìn nhận mọi vấn đề của cuộc sống đều rất thấu đáo, nhân bản. Chắc chắn một người như vậy phải được sinh ra trong một gia đình có nền tảng giáo dục rất tốt”… Đó là nhận xét của anh về người bạn của mình.

 

Tình bạn này là một cơ duyên đã khởi đầu

cho những sự kiện trọng đại trong sự nghiệp sau đó của cả hai anh


Năm 1990 tốt nghiệp ra trường, đúng thời điểm ngành chăn nuôi đang gặp khủng hoảng. Bao nhiêu hồ sơ xin việc gửi đi vẫn bật âm vô tín. Để có tiền sinh sống và trang trải khi đi xin việc làm, anh trở về quê hành nghề thú y. Quãng thời gian đi làm đó, chàng thanh niên dốc hết tâm sức cho công việc. Anh luôn tâm niệm một điều: “Việc gì cũng có ích cho mình. Không có việc gì là nhỏ, việc dù nhỏ nhưng phải cố gắng làm cho tốt. Việc lớn chẳng qua là do nhiều việc nhỏ ghép lại. Việc nhỏ làm tốt thì việc lớn sẽ dễ dàng”.


Thương chàng thanh niên có tay nghề giỏi, thật thà, làm gì cũng nhiệt tình nên bà con trong vùng rất ủng hộ, nhà ai chăn nuôi có vấn đề gì cũng cũng đều gọi anh. Số lượng đàn heo đông quá mà mình anh không xoay sở kịp mỗi mùa dịch bệnh, vậy là anh rèn tay nghề, cùng một lúc chích heo bằng cả hai tay cho nhanh. Sau 9 năm ròng rã vừa làm vừa đi học thêm để không bị lạc hậu và tiếp tục đi xin việc, năm 1999 anh vào làm cho Cargill Việt Nam với vị trí là Trưởng trại một trại heo thực nghiệm. 


Sau 3 năm làm việc cho công ty nước ngoài, anh nghĩ đã đến lúc mình phải làm cái gì đó cho riêng mình. Anh cùng anh Tín và vài người bạn ra thành lập ANCO. Mỗi người phụ trách một mảng, anh phụ trách mảng bán hàng.


Trước đó, chưa từng được đào tạo về bán hàng hoặc marketing, bản thân vốn là người chỉ yêu thích và giỏi kỹ thuật nhưng anh lại nhận nhiệm vụ bán hàng. Thật vô cùng khó khăn… Khó khăn nào cũng phải vượt qua, tất cả chỉ là thử thách…Và rồi một lần nữa anh lại thành công. Anh cho rằng, có lẽ ngoài yếu tố là sản phẩm có chất lượng tốt, thì chính sự thật thà, trung thực, vụng về và hết lòng vì người khác của anh mà khách hàng ủng hộ.

 

Anh đã xem khách hàng như người thân trong gia đình mình. Chỉ có chân thành mới là sợi dây vững chắc kết nối các mối quan hệ.

 

Anh nói: “Hãy nghĩ đến quyền lợi của khách hàng trước khi nghĩ đến quyền lợi của mình”. Khi xem khách hàng như người thân của mình, vui với những thành công khách hàng đạt được, buồn khi khách hàng mình gặp biến cố nào đó và sẵn sàng cùng khách hàng vượt qua nhiều sóng gió thì họ sẽ nghĩ đến mình.

 

Chị Hoàng Oanh – Đại lý Hoàng Oanh (Biên Hòa, Đồng Nai) là một trong những khách hàng có sản lượng lớn nhất của công ty. Khi được hỏi trong quá trình làm việc với anh Hiếu, chị cảm như thế nào, chị xúc động chia sẻ với chúng tôi những tình cảm hết sức nồng ấm:


“Chị cộng tác với anh Hiếu đã trên mười năm nay. Để cộng tác dài lâu, trước hết là sản phẩm phải chất lượng, giá cả hợp lý, sau đó mới là tình cảm. May mắn là khi cộng tác với anh Hiếu, chị có tất cả những yếu tốt này. Tuy là làm sếp cấp cao nhưng khi chị và các khách hàng khác gặp khó khăn, khúc mắc gì phản ánh lên, anh Hiếu đều lắng nghe và nhiệt tình tháo gỡ khó khăn cho khách hàng. Nhân viên của anh chăm sóc khách hàng cũng rất là tốt. Sếp có tốt thì mới chỉ bảo nhân viên đối xử tốt với khách hàng. Ở ngoài thị trường, có nhiều người không cộng tác với anh, nhưng vẫn rất quý và tôn trọng anh. Họ thương anh bởi anh đã luôn sống hết mình vì người khác. Gia đình chị xem anh Hiếu như người thân của mình vậy. Chị chưa thấy ai có địa vị như anh mà lại sống hòa đồng, hết mình với anh em, bè bạn như thế”.

 

Với lớp đàn em, anh tận tình chỉ bảo, dạy họ từ những lúc chập chững vào nghề. Để hiểu nhân viên, anh đứng ở vị trí vừa là “cầu thủ”, vừa là “huấn luyện viên” để huấn luyện nhân viên một cách tốt nhất. Dù là một thành viên trong Ban lãnh đạo, đứng ở vị trí quản lý cao cấp, anh vẫn xung phong quản lý trực tiếp một vùng, tìm kiếm, chăm sóc khách hàng như những nhân viên khác. Khi thị trường vùng này tăng trưởng, anh giao lại cho nhân viên và lại tiếp tục tìm thị trường mới. Không chỉ đào tạo chuyên môn, anh còn dạy nhân viên cách sống, sống nhân bản, sống cho người khác.

 

Hết lớp này đến lớp khác, tùy vào năng khiếu và năng lực của mỗi người, anh đã đào tạo và tạo mọi điều kiện để nhân viên mình phát huy được năng lực cao nhất. Anh luôn nói với các cấp quản lý: “người sếp giỏi là người biết đào tạo nên những nhân viên giỏi và sau đó giao quyền cho họ”.


12 năm gầy dựng ANCO, anh cùng anh em không ngại gian khó với cách làm theo đúng định hướng mà anh đã đề ra: “Hãy sống vì người khác”. Nhưng quan điểm “sống vì người khác” của anh lại gặp phải bất đồng lớn với các đối tác nước ngoài khi cùng điều hành ANCO. Mâu thuẫn lớn dần và không dung hoà được. Điều đó khiến anh lại càng trăn trở: “Nếu bán cổ phần của mình rồi rút lui luôn thì nhân viên của mình sẽ ra sao? Mình bỏ hết những người đã theo mình sống chết bao nhiêu năm sao? Ai sẽ đối xử tốt với các em? Rồi còn khách hàng của mình, những người anh em đã luôn tin tưởng vào mình…”


Cuối cùng các anh quyết định không bỏ mặc nhân viên và khách hàng của mình. Đó cũng là sống cho người khác.


Là người suốt đời muốn đem lại những điều tốt đẹp cho người khác, anh luôn ước ao xây dựng RICO FEED thành một gia đình mà mọi người thương yêu nhau, biết sống vì nhau và “rồi đây chúng ta sẽ là một gia đình thật sự”.

 

   

Anh đã thương nhân viên như những người em ruột thịt của mình. Chính tình yêu thương của anh

đã truyền cảm hứng mạnh mẽ cho nhân viên để rồi tất cả thương nhau như gia đình. Họ đã “xông pha trận mạc” với vũ khí chính là là trái tim chân thành


Giai đoạn đầu của RICO FEED hết sức khó khăn khi đối thủ tung rất nhiều tiền để lôi kéo nhân viên. Đây là một chiêu bài của đối thủ, đặt RICO FEED vào một tình huống sống còn. Vận mệnh công ty bắt buộc anh phải chọn lựa. Tăng thêm tiền lương để giữ nhân viên hay để nhân viên tự thử thách trước cám dỗ của đồng tiền? Cuối cùng, anh đã quyết định không dùng tiền để giữ nhân viên. Ai vì tiền thì hãy cứ đi.


Để rồi một năm sau, anh và anh Tín dành tặng cho anh em đã quyết định ở lại cùng RICO FEED một số tiền và kèm theo lời cảm ơn nhân viên. Khi tôi hỏi tại sao tặng tiền cho nhân viên rồi anh lại còn cảm ơn người ta nữa. Anh đã chia sẻ: “Anh muốn cảm ơn các em vì đã giúp anh củng cố niềm tin của mình, tin vào giá trị mà anh suốt đời theo đuổi. Rằng tiền bạc không thể mua tất cả. Chính tình yêu và những giá trị tinh thần cao đẹp mới đáng để cho ta sống. Nếu nhân viên của anh làm việc vì tiền, thì họ cũng sẽ đối xử với khách hàng vì tiền. Chỉ tình yêu thương và những trái tim biết sống vì người khác mới là cái đẹp vĩnh cửu”.


Tài sản anh để lại cho các em không chỉ là giá trị về cổ phần, quyền điều hành mà còn là những bài học làm người, là những giá trị chân thiện mỹ mà mọi người cần có.

 

Hai chàng trai năm nào giờ tóc đã điểm sương nhưng đôi bạn này vẫn tiếp tục

là những vị "thuyền trưởng" tài ba đem lại nhiều điều tuyệt vời cho gia đình RICO FEED và xã hội


Giờ đây, khi đã trải qua nhiều sóng gió của cuộc đời, anh thấy hài lòng với những gì mình theo đuổi. Anh đã sống một đời vì gia đình, anh em, bè bạn nên giờ đây anh có được sự an lạc trong tâm hồn. Hạnh phúc thay khi những hạt giống yêu thương anh trao tặng giờ đã nở hoa. Anh có một đội ngũ nhân viên xuất sắc, có đạo đức và hàng trăm khách hàng có cuộc sống mơ ước.


Anh đã có một cuộc đời hạnh phúc!

 

Tiến sĩ Dương Duy Đồng - hiện đang là Hiệu Phó Trường ĐH Nông Lâm Tp.Hồ Chí Minh đã chia sẻ với chúng tôi những kỷ niệm về anh Hiếu và anh Tín:


Những năm 1985 – 1990, không chỉ giảng dạy mà tôi còn phụ trách các phong trào của trường nên có tiếp xúc nhiều với anh Hiếu, anh Tín.


Trong thời gian học ở trường thì anh Tín, anh Hiếu đều là những hạt nhân tích cực của lớp và của khoa Chăn nuôi thú y cả về học tập lẫn các hoạt động phong trào.


Dù gia đình làm nghề nông nên khá khó khăn về kinh tế nhưng anh Hiếu vẫn rất tập trung học và không chỉ tham gia mà còn thường xuyên ở vị trí đi đầu lôi kéo mọi người cùng tham gia các phong trào ở lớp, ở khoa và ở trường. Với tinh thần học hỏi, cầu tiến nên anh Hiếu cũng rất thường xuyên tìm hiểu, nêu thắc mắc và có những suy nghĩ vượt ra ngoài khuôn khổ (theo nghĩa tốt) chứ không phải chỉ hài lòng ở những gì nhà trường giảng dạy hoặc yêu cầu sinh viên học là đủ. Ở trại chăn nuôi gà 19/8 (hiện nay đã giải thể), nơi anh Hiếu thực tập tốt nghiệp cũng có những nhận xét rất tích cực về anh Hiếu sau thời gian thực tập ở đó.


Anh Tín là một sinh viên tương đối trầm tĩnh, ít nói (nhưng không phải là thụ động, riêng lẻ, tách rời tập thể lớp). Về mặt học tập thì anh Tín thể hiện kiểu sinh viên học tốt một cách có ý thức, tự biết là mình cần học, cần quan tâm đến cái gì chứ không phải chỉ là chăm học theo kiểu ghi nhận và nhớ thuộc lòng tất cả những gì được dạy ở trong trường, lớp.


Đặc biệt là ngay cả sau khi tốt nghiệp, rời trường và làm việc ở vị trí tốt trong công ty lớn về sản xuất thức ăn chăn nuôi, hai anh Tín và Hiếu đều hướng về trường và đã có những hỗ trợ cụ thể cho sinh viên, nhất là đến một thầy lớn tuổi, có nhiều khó khăn.

 

Chị Mai Thị Tuyết, hiện đang làm việc tại phòng R&D của RICO FEED, người từng có hơn 4 năm làm việc trực tiếp với anh Hiếu, chia sẻ với chúng tôi: “Anh Hiếu là một người anh luôn muốn chia sẻ hạnh phúc với nhân viên, thương nhân viên như em của mình. Anh quan tâm và đối xử với nhân viên rất tốt. Không chỉ nghĩ cho nhân viên, anh còn quan tâm tới cha mẹ, con cái, anh em của họ. Anh hay nói, mọi người đi làm cũng vì hạnh phúc gia đình, vậy nên nếu gia đình nhân viên có việc gì, thì phải ưu tiên cho nhân viên giải quyết việc gia đình trước".

 




Tin cũ hơn: