Thứ Năm, 02/04/2015 09:25

Cuối tuần qua, tại xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn, Hà Nội đã diễn ra Đại hội đại biểu lần thứ nhất Hội Chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Sóc Sơn, nhiệm kỳ 2015 – 2020.

 

Từ đây, sản phẩm gà đồi Sóc Sơn hứa hẹn bước sang giai đoạn mới nhờ có đơn vị đầu mối đứng ra làm thương hiệu cũng như công tác tư vấn, định hướng trong chăn nuôi.

 

Gà đồi Sóc Sơn sang giai đoạn mới

 

Theo Hội Chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Sóc Sơn, hiện tổng đàn gà toàn huyện khoảng trên dưới 1 triệu con, trong đó đàn gà thịt có khoảng 479.000 con tập trung chủ yếu ở các xã vùng đồi gò như Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ, Minh Trí, Minh Phú. Quy mô chăn nuôi từ 500 – 600 con gà thịt/hộ. Các xã này có diện tích đất đồi khá rộng, là điều kiện tốt để nuôi gà theo hướng bán chăn thả.

 

Gà đồi Sóc Sơn có chất lượng thịt thơm ngon nên có nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng, nhu cầu sử dụng ngày càng lớn.

 

Vì vậy trong thời gian vừa qua gà đồi Sóc Sơn được coi là một loại thực phẩm đặc sản, có giá trị kinh tế cao, vào những dịp lễ, tết gà không đủ cung cấp cho nhu cầu thị trường. Trong việc tiêu thụ, hiện nay gà ở các xã vùng đồi gò của huyện được thương lái thu gom và tiêu thụ chủ yếu ra các chợ đầu mối, trung bình một tháng tiêu thụ đến hàng chục tấn gà lông.

 

Tuy nhiên, do phát triển tự phát nên gà đồi Sóc Sơn vẫn tồn tại những bất cập lớn, đó là chưa xây dựng được quy trình chăn nuôi gà, đa số người chăn nuôi vẫn theo phương thức truyền thống. Bên cạnh đó, mặc dù dịch bệnh hàng năm vẫn xảy ra trong phạm vi hẹp, nhưng cũng gây ảnh hưởng tới quá trình chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm.

 

Hội Chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Sóc Sơn được thành lập theo Quyết định số 7220/QĐ-UBND theo sự tư vấn, hỗ trợ của Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội và Phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn. Hội có 29 hội viên, quy mô chăn nuôi tối thiểu 500 con/hộ và mục tiêu phấn đấu đến năm 2016 tăng số hội viên lên con số 100.

 

Hơn nữa, do trên địa bàn huyện chưa có lò mổ tập trung đảm bảo vệ sinh thú y và ATVSTP nên chưa kết nối được với hệ thống nhà hàng, siêu thị, khách sạn cao cấp. Đặc biệt, dù đã có danh tiếng, song phải thừa nhận người tiêu dùng khó có thể nhận diện sản phẩm gà đồi Sóc Sơn khi đã qua giết mổ, bảo quản và phân phối.

 

Theo ông Phạm Quang Ngọc, Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn, việc thành lập Hội Chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Sóc Sơn trong giai đoạn này là hết sức cần thiết. Bởi sự ra đời của hội sẽ giúp các cơ quan quản lý nhà nước thuận lợi hơn trong việc quản lý chăn nuôi, giám sát dịch bệnh, công tác dự báo thị trường. Tiếp đến là giúp các hội viên có điều kiện hỗ trợ nhau trong chăn nuôi và kinh doanh gia cầm. Từ đó, nâng cao giá trị kinh tế và hướng tới nền chăn nuôi khép kín bền vững.

 

Ông Tạ Văn Tường, GĐ Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội cho rằng, việc ra đời Hội Chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Sóc Sơn có vai trò rất quan trọng đối với phát triển chuỗi chăn nuôi gà đồi trên địa bàn huyện Sóc Sơn nói riêng và cả TP Hà Nội nói chung. Bởi điểm yếu nhất của nền chăn nuôi hiện nay chính là khâu liên kết và hệ thống quản lý theo chuỗi khép kín.

 

“Hội ra đời sẽ là mấu chốt liên kết, thực hiện nhiệm vụ quản lý chặt chẽ, tư vấn hướng dẫn phát triển hệ thống chăn nuôi, xây dựng thương hiệu để đưa những người chăn nuôi lên vị trị mới chủ động hơn trong cả đầu vào lẫn đầu ra. Qua đó, từng bước khắc phục tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ, đảm bảo chất lượng ATTP và đầu ra ổn định cho sản phẩm với giá bán tốt nhất”, ông Tường nói.

 

Các hoạt động chính của Hội Chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Sóc Sơn khi đi vào hoạt động gồm: Xây dựng, quản lý, sử dụng nhãn hiệu tập thể “Gà đồi Sóc Sơn”; Tổ chức chăn nuôi gà theo quy trình tập thể hướng tới sự an toàn và chất lượng cao; Tổ chức giết mổ, chế biến, đóng gói và đào tạo chuyển giao kỹ thuật; Tăng cường trao đổi, tuyên truyền với cơ quan chuyên môn, nhà khoa học, hợp tác, liên kết với các tổ chức trong và ngoài nước nhằm nâng cao giá trị sản phẩm và thương hiệu gà đồi Sóc Sơn.


Theo Báo Nông Nghiệp Việt Nam ngày 30/3/2015


 




Tin cũ hơn: