Thứ Bảy, 18/04/2015 10:30
Xây dựng mô hình trang trại chăn nuôi tổng hợp đang được nhiều nông dân trên địa bàn xã Hòa Hiệp (huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) lựa chọn không chỉ giúp phát triển kinh tế hộ gia đình, nâng cao thu nhập mà còn giải quyết việc làm cho nhiều lao động và phát huy thế mạnh của địa phương góp phần tích cực vào xây dựng nông thôn mới.
Trang trại chăn nuôi lợn thương phẩm của gia đình ông Nguyễn Hoàng Chương (thôn Kim Phát) là một trong những trang trại đầu tiên được xây dựng tại địa phương. Theo chia sẻ của ông Chương thì trước đây, ông chăn nuôi lợn với quy mô nhỏ lẻ chỉ để tận thu các phụ phẩm từ trồng trọt mà không chú trọng đến việc đầu tư xây dựng chuồng trại, tiêm phòng dịch bệnh cho đàn vật nuôi nên cho hiệu quả kinh tế không cao. Nhận thấy cần thay đổi cách làm, ông đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng 500 triệu đồng để xây dựng trang trại và tích cực học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi qua sách báo và các lớp tập huấn do Hội Nông dân xã tổ chức. Hiện nay, trang trại của gia đình ông có diện tích trên 1.800 m2 cùng hệ thống trang thiết bị hiện đại, xung quanh chuồng trại là các bể biogas liên thông xử lý nước thải để bảo đảm vệ sinh môi trường. Ngoài ra, để đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn gia súc, ông còn học kỹ thuật chế biến, ủ chua các loại thức ăn từ các phụ phẩm trong nông nghiệp. Bên cạnh đó, ông còn tận dụng hơn 500 m2 đất vườn để đầu tư nuôi 1.000 con gà thịt.
Với quy mô trang trại luôn duy trì trên 50 con lợn nái và hơn 200 lợn thịt thương phẩm, cùng nguồn thu từ đàn gà, trung bình mỗi năm trừ chi phí, gia đình ông Chương thu nhập hơn 400 triệu đồng và còn tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động với thu nhập bình quân khoảng 3 triệu đồng/tháng. Ông Chương tâm sự: “Muốn chăn nuôi thực sự đem lại hiệu quả kinh tế cao thì bên cạnh việc chủ động về nguồn vốn người làm cần phải nắm vững kỹ thuật chăm sóc, thực hiện tốt công tác phòng trừ dịch bệnh và chọn con giống bảo đảm chất lượng. Đặc biệt trong chăn nuôi, phải chú ý vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, thận trọng trong việc tiêu độc, khử trùng. Đối với những đợt có dịch bệnh lớn cần phải đặc biệt chú ý khâu cách ly, nếu không sẽ gây thiệt hại rất lớn”.
Giống với gia đình ông Chương, ông Nguyễn Tri Phương (thôn Kim Phát) cũng chọn phát triển kinh tế gia đình bằng cách xây dựng trang trại chăn nuôi. Ông Phương cho biết: “Để có được trang trại như ngày hôm nay, tôi đã dành nhiều thời gian tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm ở một số mô hình trang trại tổng hợp cả trong và ngoài tỉnh. Từ những kiến thức tích lũy được cùng với số tiền vay từ Ngân hàng 200 triệu đồng, tôi đầu tư xây dựng trang trại với quy mô khoảng 1 ha, gồm 4 dãy chuồng, mỗi dãy 8 ô để nuôi lợn giống và lợn thịt theo hướng công nghiệp. Trang trại được xây dựng theo hướng khép kín, có máng ăn uống tự động và hệ thống hầm bể biogas để xử lý chất thải, đảm bảo vệ sinh môi trường. Do chủ động được con giống nên dịch bệnh được kiểm soát, đàn lợn của gia đình luôn khỏe mạnh, phát triển ổn định”. Hiện nay mô hình sản xuất của gia đình ông duy trì thường xuyên trên 40 con heo giống, 20 con heo thịt cho thu nhập ổn định trên 200 triệu đồng/năm đã trừ chi phí.
Trang trại chăn nuôi heo thịt của gia đình ông Nguyễn Tri Phương (Nguồn Internet)
Trong nông nghiệp, chăn nuôi được xác định là ngành mũi nhọn nên những năm trở lại đây, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Hòa Hiệp đã chuyển từ chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô nhỏ lẻ sang quy mô trang trại và gia trại, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trên cơ sở cải tạo đàn bò theo hướng Sind hóa, đàn lợn theo hướng nạc hóa cùng với việc kết hợp, duy trì tổ chức tốt công tác phòng chống dịch bệnh, nhờ đó đàn vật nuôi đã tăng cả về số lượng, chất lượng. Tính đến cuối năm 2014 tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn xã có hơn 81.000 con. Ông Trịnh Văn Minh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa hiệp cho biết: “Do đầu ra của sản phẩm tương đối ổn định, lại được các cấp chính quyền quan tâm, tạo điều kiện nên chăn nuôi theo mô hình trang trại ở địa phương đã và đang là một hướng đi mới, đầy triển vọng giúp cho bà con nông dân nơi đây làm giàu. Để khuyến khích các nông hộ trên địa bàn phát triển kinh tế trang trại, Hội Nông dân xã thường xuyên phối hợp với Trạm Khuyến nông, Trạm Bảo vệ thực vật của huyện mở nhiều lớp chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nhằm trang bị kiến thức chăn nuôi cho nông dân, hướng dẫn các chủ trang trại có phương án thực hiện xử lý chất thải, nước thải để bảo đảm vệ sinh môi trường”.
Có thể thấy rằng, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo quy mô trang trại trên địa bàn xã Hòa Hiệp đang là hướng đi bền vững giúp nhiều gia đình có nguồn thu nhập cao, ổn định, qua đó góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp nông thôn và là nền tảng quan trọng trong công cuộc xoá đói giảm nghèo trên địa bàn.
Theo báo Đắk Lắk ngày 13/4/2015