Thứ Tư, 08/07/2015 09:18

Mô hình chăn nuôi heo VietGAHP quy mô nông hộ đang phát triển ở Đồng Nai. Nhờ được tập huấn nâng cao kỹ thuật, người dân không chỉ chăn nuôi giỏi mà còn là "bác sĩ thú y"...

 

Ông Bình giới thiệu cách nuôi heo VietGAHP


Dừng xe trước bảng hiệu “Hộ chăn nuôi theo quy trình VietGAHP”, chúng tôi được ông Trịnh Thanh Bình (tổ 8, ấp Bầu Trâm, xã Bầu Trâm, TX Long Khánh) dẫn vào thăm mô hình chăn nuôi của gia đình mình. Ông Bình hiện là Tổ trưởng Tổ nuôi heo VietGAHP của ấp Bầu Trâm, đồng thời là Tổ phó Tổ chăn nuôi heo năng suất cao của xã.


Ông Bình kể: "Tôi sinh ra và lớn lên ở tỉnh Hà Nam, nuôi heo đã nhiều đời, song bản thân tôi thích phiêu lưu nên ít chịu gò mình ở một chỗ. Lấy vợ ngoài Bắc, nhưng tôi lại thích không khí trong Nam, nên đã đưa cả gia đình vào sinh sống.


Sở hữu mảnh đất nhỏ tại xã Bầu Trâm, Long Khánh năm 1999, vợ tôi bắt đầu xây dựng chuồng trại, còn tôi vẫn chủ yếu đi làm cho một công ty viễn thông. Hồi đó, do chưa biết nhiều về kỹ thuật, chăn nuôi theo kinh nghiệm, thức ăn, thuốc trị bệnh cân đo theo cảm tính nên hiệu quả không cao.


Mãi tới năm 2012, khi dự án Lifsap đưa quy trình thực hành chăn nuôi tốt (VietGAHP) về Đồng Nai, gia đình tôi mới xin đăng ký tham gia. Lúc đó, tôi bắt đầu nghỉ hưu, về nhà cùng vợ phát triển chăn nuôi. Mô hình VietGAHP đã thay đổi gần như 100% cách thức, kỹ thuật chăm sóc, hệ thống chuồng trại của gia đình tôi”.


Tham gia đều đặn các buổi tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật do dự án tổ chức, ông Bình cùng vợ chung tay cải tạo lại chuồng trại. Ông làm lưới bao quanh, xây dựng hầm biogas, hệ thống nhà tắm, phân ô đúng kích thước, chia làm hai hệ thống chuồng heo thịt, heo nái riêng biệt.


Ông còn mày mò, nghiên cứu thêm qua sách vở, báo đài, tham gia các lớp tập huấn sử dụng thuốc thú y, cách thức tiêm phòng đầy đủ. Chỉ trong vòng chưa đầy 1 năm sau, ông đã trở thành một “chuyên gia” về thú y, có thể tự tay xử lý tất cả các loại bệnh xảy ra trên heo. Vừa trò chuyện, ông vừa kể vanh vách tình trạng heo nuôi như thế nào, hay có triệu chứng gì, mắc bệnh nào phổ biến và dùng thuốc gì hiệu quả.


Suốt 3 năm chăn nuôi theo VietGAHP, ông không những xây dựng thành công trang trại heo an toàn dịch bệnh cho gia đình, mà còn giúp nhiều tổ viên trong tổ nuôi heo VietGAHP cùng tham gia mô hình hiệu quả. Cũng nhờ chăn nuôi theo VietGAHP, gia đình ông Bình đã gom góp mua thêm được mảnh đất, dự định sẽ mở thêm chuồng trại chăn nuôi.


Chia tay chúng tôi, ông Bình cười tươi khoe: “Các cháu nhà tôi học hành thành đạt trên thành phố cũng nhờ đàn heo này cả. Với gia đình tôi, con heo mới là… đầu cơ nghiệp!”. Sau khoảng thời gian trò chuyện khá lâu, ông dẫn chúng tôi vào thăm chuồng heo. Đầu tiên, ông yêu cầu chúng tôi phải để ba lô bên ngoài, chỉ được mang một cuốn sổ và cái máy ảnh vào nhưng phải lau chùi cẩn thận. Sau đó, mọi người phải rửa ủng sạch sẽ tại một máng nước có chứa hóa chất khử khuẩn đặt ngay trước cửa trại. Xong đâu đấy, ông đưa chúng tôi đi tham quan khắp chuồng.


Ông giải thích: “Khi chăn nuôi theo VietGAHP, chuồng trại phải luôn thông thoáng, sạch sẽ, nhưng không được để nhiều gió vào kẻo lạnh heo. Mỗi buổi chiều, đều phải xịt rửa, dọn dẹp cẩn thận để đảm bảo heo luôn khỏe mạnh...”. Hiện tại, ông đang nuôi 6 heo nái và hơn 50 heo thịt, con nào con nấy da trắng hồng, mập mạp, chân chắc nịch. Thấy ông, có con nhảy thẳng lên gần thành để ông vuốt ve. “Thế mới nói, đàn heo khỏe mạnh thì chúng rất vui vẻ, thân thiện, chạy nhảy khắp chuồng”, ông Bình nói. Khoảng 1 tuần nữa, ông sẽ xuất 1 đợt heo khoảng trên chục con. Mỗi con trung bình đạt từ 1 - 1,2 tạ. Ông Bình khẳng định: “Từ khi chăn nuôi theo VietGAHP, đàn heo xuất chuồng luôn đạt trọng lượng tốt. Ngoài chi phí thức ăn và tiền văcxin, tôi chẳng tốn bất cứ chi phí nào khác. Từ con giống, xử lý bệnh tật, tôi đều tự lo được nên luôn có lời…”. Quả thực, suốt 3 năm qua, cứ mỗi con heo xuất chuồng gia đình ông đều thu lãi từ 1 - 1,5 triệu đồng


Theo Báo Nông Nghiệp Việt Nam ngày 06/07/2015




Tin cũ hơn: