Thứ Hai, 02/11/2015 09:19

Tính đến 30/9, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh tỉnh Vĩnh Long đã đầu tư cho vay ngành chăn nuôi đạt 3.500 tỷ đồng, số khách hàng vay còn dư nợ hơn 10.000 khách hàng, dư nợ 2.300 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 40%/tổng dư nợ.

 

Tại Vĩnh Long cho vay chăn nuôi bò chiếm 18%/tổng dư nợ. Ảnh: VL

 

Cụ thể, cho vay chăn nuôi bò 1.050 tỷ đồng, chiếm 18%/tổng dư nợ; chăn nuôi lợn 850 tỷ đồng, chiếm 15%; chăn nuôi gia cầm 150 tỷ đồng, chiếm 3%; chăn nuôi khác 250 tỷ đồng, chiếm 4%.

 

Tính chung cả lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trong năm 2015, doanh số cho vay của Agribank tỉnh Vĩnh Long đạt hơn 6.000 tỷ đồng, số khách hàng vay còn dư nợ là hơn 55.000 khách hàng, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn 5.200 tỷ đồng, chiếm 90%/tổng dư nợ. 

 

Ngân hàng cho biết luôn ưu tiên về vốn và lãi suất cho vay đối với lĩnh vực phát triển nông nghiệp. Cơ chế vay vốn ngân hàng ngày càng thông thoáng, thuận lợi giúp nhà nông và các doanh nghiệp tiếp cận được vốn đầu tư của Agribank.

 

Tuy nhiên, cũng theo Agribank Vĩnh Long, ngành Chăn nuôi của tỉnh Vĩnh Long còn nhiều khó khăn khiến doanh số cho vay trong chăn nuôi vẫn chưa cao và hiệu quả. Nguyên nhân do ngành Chăn nuôi của tỉnh chưa thực hiện được mô hình liên kết theo chuỗi khép kín từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ; tập quán người dân còn chăn nuôi tự phát, nhỏ lẻ, manh mún; thị trường tiêu thụ sản phẩm chưa ổn định, giá cả sản phẩm bấp bênh, chưa có chính sách bảo hộ, bao tiêu sản phẩm cho nông dân.

 

Bên cạnh đó, nông dân chậm chuyển đổi cơ cấu vật nuôi và phương thức chăn nuôi; chưa hình thành các vùng sản xuất tập trung có khối lượng sản phẩm hàng hóa nông sản lớn; chưa tiếp thu được những tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến trên thế giới; chậm phát triển cơ giới hóa, sử dụng nhiều lao động thủ công, năng suất thấp, chi phí sản xuất cao không đủ sức cạnh tranh.

 

 Một số khách hàng có nhu cầu vay vốn lớn nhưng không có đủ điều kiện để vay vốn, không đủ vốn tự có tham gia, năng lực quản lý yếu kém, chưa có các dự án khả thi, không có tài sản thế chấp hoặc không đủ tài sản thế chấp cho khoản vay.

 

Không những vậy, tình hình dịch bệnh ngành Chăn nuôi diễn biến phức tạp, khó kiểm soát, thường xuyên xảy ra trên địa bàn của tỉnh, tiềm ẩn rủi ro, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả chăn nuôi của nông hộ.

 

Thời gian tới, Ngân hàng đẩy mạnh đầu tư cho vay các mô hình kiên kết trong chăn nuôi theo chuỗi khép kín từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành sản xuất, tăng hiệu quả đầu tư và hạn chế rủi ro. Ngoài ra, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay theo chỉ đạo của Chính phủ nhằm hỗ trợ nông dân vượt qua khó khăn, vươn lên phát triển sản xuất.

 

Mới đây, tỉnh Vĩnh Long đã phê duyệt giao Trung tâm Khuyến nông tỉnh Vĩnh Long làm chủ đầu tư dự án “Hỗ trợ phát triển chăn nuôi vịt siêu thịt quy mô nông hộ theo hướng an toàn sinh học giai đoạn 2015-2017”. Theo UBND tỉnh Vĩnh Long, Dự án thực hiện trong 3 năm, với tổng kinh phí 1.927.000.000 đồng.

 

Theo Báo Tài Chính ngày 30/10/2015

 




Tin cũ hơn: