Thứ Hai, 14/12/2015 10:07

Trong chăn nuôi, dịch bệnh là nỗi lo thường trực của ngành chức năng và người dân. Với loại hình thú y trọn gói sẽ giúp người dân giảm thiểu rủi ro dịch bệnh cho vật nuôi, giảm giá thành sản xuất và tăng khả năng cạnh tranh.


Những năm trước đây, mô hình dịch vụ thú y trọn gói còn khá mới lạ. Thế nhưng sau một thời gian dài thí điểm tại một số địa phương, người dân đã dần nhận thấy lợi ích từ mô hình mang lại.

 

Theo mô hình này, một hoặc nhóm nhân viên thú y đứng ra thành lập Tổ dịch vụ, đảm bảo một số công tác thú y cho gia súc, đổi lại, chủ vật nuôi phải nộp phí dịch vụ. Do tính mới mẻ của loại hình dịch vụ và sự đa dạng trong sản xuất nên hiện nay mỗi tổ dịch vụ có cách làm riêng.

 

Một nhân viên dịch vụ thú y trọn gói tại xã Bình Tú, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam cho biết: “Thời gian đầu triển khai có nhiều khó khăn vì người dân chưa hiểu về dịch vụ này. Sau khi được tuyên truyền, vận động và nhờ cơ chế hỗ trợ của nhà nước, phần lớn hộ chăn nuôi gia súc ở xã Bình Tú đã nhiệt tình hưởng ứng. Hiện nay, toàn xã Bình Tú có hơn 1 nghìn hộ ở 8/8 thôn tham gia thú y trọn gói, chiếm hơn 80% số hộ có chăn nuôi của xã”.

 

Ông Trịnh Xuân A, Phó chủ tịch UBND xã Bình Tú cho biết, nhờ triển khai tốt dịch vụ thú y trọn gói, hai năm nay xã đã quản lý được tổng đàn và dịch bệnh gia súc. Trước đây, tỷ lệ tiêm phòng định kỳ chỉ đạt 30-35% tổng đàn gia súc, dịch bệnh truyền nhiễm xảy ra thường xuyên. Sau khi có thú y trọn gói, hầu hết số gia súc nuôi trên địa bàn xã được lên danh sách theo dõi, tiêm vắc-xin đầy đủ nên số trường hợp bệnh và chết giảm đi rất nhiều.

 

Đàn gia súc được chăm sóc tốt nhờ sử dụng dịch vụ thú y trọn gói

 

Hiện nay, gói dịch vụ thú y áp dụng đối với xã Bình Tú là 130.000 đồng/con heo nái/năm, 20.000 đồng/heo thịt/lứa và 80.000 đồng/trâu, bò/năm.

 

Với mức thu này, tổ dịch vụ chịu trách nhiệm tiêm vắc-xin và điều trị miễn phí các bệnh truyền nhiễm đã tiêm vắc-xin. Đối với heo nái còn được đỡ đẻ, tiêm bổ sung sắt cho heo con. Khi gia súc mắc các bệnh khác như tiêu chảy, cảm nóng, bệnh sinh sản… thì người chăn nuôi thanh toán một nửa chi phí. Trường hợp gia súc bệnh chết, hộ chăn nuôi không phải trả tiền thuốc mà còn được hỗ trợ 500.000 đồng/heo nái, 100.000 đồng/heo thịt hoặc 1 triệu đồng/trâu, bò.

 

Ông Võ Văn Sỹ (tổ trưởng tổ 3, thôn Trường An, xã Bình Tú) cho biết, từ khi đăng ký tham gia dịch vụ này, ông không phải lo lắng về các bệnh truyền nhiễm trên gia súc. Tùy theo chu kỳ sản xuất của từng con gia súc, cán bộ thú y đến tiêm vắc-xin phòng bệnh, đỡ đẻ, tiêm bổ sung... Hộ chăn nuôi chỉ việc chăm sóc theo hướng dẫn, nếu phát hiện gia súc có bệnh thì báo cán bộ thú y đến kiểm tra, xử lý. Theo ông Sỹ, mức phí dịch vụ ở đây là hợp lý và người chăn nuôi sẽ yên tâm khi tổ chức sản xuất. Cùng với đó lợi nhuận thu được từ vật nuôi cũng tăng lên đáng từ khi sử dụng loại dịch vụ này.

 

Khác với xã Bình Tú, dịch vụ thú y trọn gói tại xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam có mức thu phí cao hơn, đổi lại, trách nhiệm và mức chia sẻ rủi ro của dịch vụ cũng nhiều hơn. Chị Châu Thị Bông (thôn Bích An, xã Tam Xuân 1) cho biết, từ đầu năm 2013, khi nghe tin có dịch vụ này chị đã đăng ký tham gia cho tất cả số gia súc đang nuôi. Chị Bông được nhân viên thú y hướng dẫn cách nuôi dưỡng, chăm sóc, phát hiện gia súc bệnh.

 

"Mỗi khi tôi báo có vật nuôi bị bệnh, nhân viên thú y có mặt ngay để xử lý, cho dù là đêm khuya hoặc mưa gió. Kể từ khi có dịch vụ, gia đình tôi không phải lo lắng gì về mặt thú y nữa”, chị Bông chia sẻ sự hài lòng về dịch vụ đã đăng ký.

 

Nói về mức thu phí gói dịch vụ, ban đầu chị Bông và nhiều người chăn nuôi cho rằng thấy hơi cao. Tuy nhiên, sau khi tính toán kỹ các khoản chi phí thú y và rủi ro dịch bệnh qua nhiều năm, họ thấy rằng mức thu trên là phù hợp. Bên cạnh đó, mô hình giúp vật nuôi phát triển tốt và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn trước kia.

 

(Theo Báo Công lý ngày 13/12/2015)




Tin cũ hơn: