Thứ Hai, 25/01/2016 09:07

Từ mô hình này, người chăn nuôi heo theo quy mô kinh tế gia đình và trang trại ở các địa phương trong tỉnh An Giang được tập huấn kỹ thuật, xây dựng điểm trình diễn, tham quan và hội thảo ứng dụng hiệu quả, góp phần hạn chế tình trạng phát sinh dịch bệnh, đảm bảo môi trường chăn nuôi và cộng đồng dân cư.


Tăng lợi nhuận, giảm ô nhiễm

Năm 2015, ông Nguyễn Tiến Đồn (ấp Vĩnh Thạnh 1, xã Lê Chánh, TX. Tân Châu) tiếp tục được xét chọn “Nông dân giỏi” cấp tỉnh. Bằng mô hình nuôi heo theo phương pháp an toàn sinh học, gia đình ông thu lợi nhuận trên 350 triệu đồng/năm, giữ vững danh hiệu “Nông dân giỏi” hơn 10 năm nay. Với cách làm ăn tiên tiến, ông trở thành điển hình tiêu biểu và là người nuôi heo hiệu quả ở địa phương. Kể về quá trình khởi nghiệp, ông Đồn cho biết, sau khi đi tham quan thực tế tại các trại giống và tham khảo qua nhiều tài liệu, ông nhận thấy nuôi heo an toàn sinh học vừa thân thiện môi trường, vừa có nhiều ưu điểm nên quyết định đầu tư chuồng trại, quy mô kiên cố 170m2 có lắp đặt hệ thống biogas, chọn con giống tốt… Mỗi năm, ông xuất chuồng bán khoảng 300 heo con. “Nhờ áp dụng mô hình nuôi an toàn sinh học, tuân thủ quy trình tiêm chủng chặt chẽ nên heo ít bệnh tật, heo con ăn mạnh và mau lớn” – ông Đồn chia sẻ.

 

Bà The với trang trại nuôi heo


Ông Đồn thiết kế chuồng trại thành 2 khu riêng biệt, một khu dành cho heo chuẩn bị sinh và một khu sau khi sinh để tiện lợi trong việc chăm sóc. Hàng ngày, ông thường xuyên vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, môi trường chăn nuôi thoáng mát, góp phần hạn chế đáng kể bệnh tật cho đàn heo. Ngoài ra, nhờ có hệ thống biogas được lắp đặt khép kín nên chuồng trại không gây mùi hôi, lại tiết kiệm đáng kể chi phí chất đốt dùng nấu nướng, sử dụng thắp sáng và sinh hoạt.


Nhân rộng khắp nơi

Ông Trần Văn Cứng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, cho biết, từ mô hình nuôi heo an toàn sinh học, nông dân nhiều địa phương cũng đã ứng dụng sản xuất đa canh rất có hiệu quả, thu hút ngày càng nhiều sự quan tâm của cộng đồng dân cư. Dù mô hình đòi hỏi tính kiên trì và ứng dụng kỹ thuật cao nhưng vẫn xuất hiện nhiều cách làm hay, hiệu quả tốt. Điển hình như ông Trần Văn Hiền (xã Mỹ Phú, Châu Phú), với 5 héc-ta vườn-ao-chuồng đã đạt doanh thu 1,5 tỷ/năm.


Còn bà Nguyễn Thị The (ấp Vĩnh Thắng, xã Vĩnh Khánh, Thoại Sơn), bằng mô hình sản xuất đa canh kết hợp (lúa + vườn + ao + chuồng), bà thu về trên 1,6 tỷ đồng/năm, được nhiều bạn nhà nông nể phục. Điều đặc biệt hơn, sản xuất từ “vùng kinh tế mới” giúp bà giàu có, trở thành một trong số ít phụ nữ đạt danh hiệu “Nông dân giỏi” cấp huyện và cấp tỉnh nhiều năm liền. “Gia đình tôi chủ yếu là bỏ công lao động làm lời và lấy ngắn nuôi dài. Với 4 công đất ban đầu, sau khi thu hoạch lúa, tôi đem xay gạo giao cho mấy người bán lẻ chợ xã. Dư nguồn tấm, cám đem về làm thức ăn cho heo, vừa nuôi cá trong ao” - bà The chia sẻ. Thế nhưng, nhờ biết ứng dụng kỹ thuật kết hợp “lúa + vườn + ao + chuồng”, đất ruộng “nở nồi” được 4 héc-ta canh tác 3 vụ lúa/năm; còn 6.000m2 đất trồng cây ăn trái gắn liền trang trại nuôi heo, ao cá tra, cá điêu hồng… và cả trăm con gà ta thả vườn. Trong đó, nguồn lợi từ trang trại heo (nuôi theo phương pháp an toàn sinh học) là thu nhập chính của gia đình.


Với chủ đề “Phát triển chăn nuôi an toàn sinh học”, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn An Giang vừa tổ chức diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp lần thứ 13. Nhiều nhà khoa học, nhà chuyên môn đánh giá cao mô hình chăn nuôi an toàn sinh học của An Giang.

 

Theo Báo An Giang ngày 8/1/2016




Tin cũ hơn: