Thứ Hai, 14/03/2016 08:45

Ông Phạm Kim Thành - Phòng Quản lý giống và kỹ thuật nuôi - Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bến Tre cho biết, nắng nóng kéo dài, hạn mặn gây ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng tăng trưởng và phát triển của đàn gia súc, gia cầm.


Trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, nhiệt độ tại khu vực nuôi và nước uống đóng vai trò quan trọng, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất. Khi nhiệt độ không khí tăng cao thì hình ảnh đầu tiên mà người chăn nuôi nhìn thấy là vật nuôi giảm ăn, ăn không hết lượng thức ăn được cung cấp. Ở gà, phát sinh tình trạng uể oải, xả cánh, kém linh hoạt. Ở heo, do cấu tạo cơ thể có rất ít tuyến mồ hôi nên khả năng chịu nhiệt kém, dễ phát sinh tình trạng xáo trộn hô hấp, tần số hô hấp tăng, heo mệt mỏi, ăn ít. Ở heo, bò đang nuôi con thì có thể bị giảm sữa, heo con, bò con không đủ dinh dưỡng, khả năng phát triển kém. Ở loài động vật nhai lại thì có thể ảnh hưởng đến khả năng nhai lại, dễ dẫn đến tình trạng chướng hơi dạ cỏ.

 

Trong những ngày nắng nóng kéo dài, nhu cầu nước uống của vật nuôi càng tăng cao. Thông thường, nước là nhu cầu cần thiết giúp vật nuôi tăng cường quá trình trao đổi chất, chuyển hóa thức ăn và đặc biệt là điều hòa nhiệt độ cơ thể. Khi nguồn nước sử dụng bị nhiễm mặn thì mang đến cho vật nuôi nhiều tác động xấu. Tùy theo số lượng cung cấp, nồng độ mặn, thời gian cung cấp dài hay ngắn mà từng loại vật nuôi có những biểu hiện phản ứng khác nhau. Gia cầm rất nhạy cảm với tình trạng nước nhiễm mặn. Với độ mặn từ 1%o - 2%o và kéo dài sẽ gây xáo trộn tiêu hóa (tiêu chảy, chậm tăng trưởng, phát triển kém); độ mặn trên 2%o có thể gây những biến chứng nghiêm trọng hơn (viêm thận, ngộ độc). Ở heo, bò, dê cũng không ngoại lệ, khi sử dụng nước có độ mặn trên 4%o cho heo và trên 7%o cho bò thì có thể sẽ phát sinh tình trạng xáo trộn tiêu hóa, tiêu chảy. Khi đó, sức đề kháng của vật nuôi sẽ giảm, tạo điều kiện thuận lợi để các vi sinh vật có hại xâm nhập gây nên bệnh, dịch nguy hiểm như: dịch tả ở vịt, Newcastle ở gà, E.Coli, phó thương hàn ở heo. Khi bệnh, dịch truyền nhiễm đã xảy ra ở vật nuôi sẽ đe dọa phát sinh vấn đề ô nhiễm môi trường nếu không tập trung thực hiện triệt để, đồng bộ các giải pháp phòng ngừa.

 

Thu gom, xử lý thức ăn còn thừa để phòng bệnh cho đàn bò. Ảnh: Hoàng Vũ


Để phòng, chống dịch bệnh trong thời điểm hiện nay, người chăn nuôi lưu ý là không tái đàn, tăng đàn dưới mọi hình thức; các cơ sở ấp trứng gia cầm tạm thời ngưng ấp nở. Nên điều chỉnh lại mật độ vật nuôi trong từng ô chuồng, dãy chuồng; gia tăng sự thông thoáng, lưu thông không khí trong khu vực chăn nuôi bằng hệ thống quạt gió, hệ thống phun nước làm mát. Điều chỉnh lại chế độ ăn uống cho phù hợp, trong những thời điểm nắng nóng; nên giảm bớt thức ăn tinh, thay vào đó là các loại thức ăn thô xanh (rau, cỏ); tăng cường thêm viatmin C, men tiêu hóa. Thu gom, xử lý ngay thức ăn còn thừa trong máng, tránh cho vật nuôi ăn thức ăn cũ, ẩm, mốc. Trong chăn nuôi trâu, bò, dê, ngoài việc dự trữ rơm khô, khai thác nguồn thức ăn xanh hiện có, bà con nên chế biến và sử dụng các loại thức ăn ủ chua hoặc ủ urê để tăng khả năng tiêu hóa, giúp vật nuôi sử dụng nhiều thức ăn hơn.


Tăng cường dự trữ nước sử dụng trong chăn nuôi bằng cách: khoan giếng, đắp đập ngăn mặn cục bộ, xây thêm hồ chứa nước, đào ao trải bạt hoặc dùng túi nilon chứa nước dưới ao. Phải kiểm tra độ mặn của nước trước khi dự trữ và sử dụng. Hạn chế tối đa các trường hợp sử dụng nước mặn để dội rửa chuồng, máng ăn, máng uống và thường xuyên vệ sinh cơ thể vật nuôi.

 

(Theo Báo Đồng Khởi ngày 04/03/2016)




Tin cũ hơn: