Thứ Hai, 14/11/2016 15:01

Xuất thân trong gia đình thuần nông nghèo, nhưng bằng ý chí, nghị lực phấn đấu, ông Nguyễn Văn Thêm (Út Thêm), ấp Tân Phước, xã Tân Ðức, huyện Ðầm Dơi, tỉnh Cà Mau đã vươn lên làm giàu từ chăn nuôi heo.


Trang trại nuôi heo của ông được mọi người biết đến bởi quy mô to, đẹp, được xây dựng và quản lý một cách khoa học theo quy trình khép kín. Ðể có được cơ ngơi như ngày hôm nay, ông và gia đình đã trải qua khoảng thời gian dài lao động miệt mài.

 

Ông Út Thêm bên trang trại heo giống.


Với 7 ha đất, ông chia ra từng lô chuồng nhỏ, gom hết vốn liếng ông mua 3 heo nái và 50 heo con. Mỗi con sau khi xuất chuồng, ông lãi được 1,5 triệu đồng.


Ông cho biết, nuôi heo là công việc chẳng mới lạ gì nhưng phải làm sao cho heo đạt chất lượng tốt, nhất là trong thời gian gần đây tình trạng thực phẩm bẩn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ con người. Vì thế, ông cho rằng, cần thực hiện đúng quy trình kỹ thuật từ khâu chọn giống, chăm sóc cho đến phòng trừ dịch bệnh.


Trang trại của ông khá hiện đại bởi được trang bị hệ thống kỹ thuật tiên tiến trong chăn nuôi, điển hình như việc cho heo ăn uống đều tự động hoá, thức ăn cho vào máy, khi heo đói thì đến lắc máy, thức ăn sẽ chạy ra, lắc bao nhiêu ra bấy nhiêu, tránh tình trạng thức ăn dư vung vãi trên nền, gây mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường.


Ðể chủ động trong việc chăm sóc heo, ông trang bị hệ thống phun nước tự động, khi heo khát chỉ cần đến ngậm vào đầu vòi nước, nước tự động tuôn ra. Khu vệ sinh nằm cuối chuồng, cạnh đường nước, sau khi heo tắm rửa vệ sinh, phân sẽ theo đường nước thoát ra ngoài nên trang trại của ông luôn sạch sẽ, không bốc mùi hôi.

 

Ðặc biệt, ông luôn tuân thủ khâu tiêm vắc-xin để phòng tránh dịch bệnh heo tai xanh, chú trọng sử dụng những chế phẩm sinh học thay thế những loại kháng sinh và làm tăng sức đề kháng cho vật nuôi.


Ðể đảm bảo chất lượng con giống, trước mỗi kỳ sinh sản, ông thường pha chế bổ sung các loại vitamin và khoáng chất để heo nái có thêm sức đề kháng, đảm bảo việc sinh sản, con giống khoẻ mạnh, ít mang mầm bệnh. Nhờ chịu khó học hỏi, theo dõi các kiến thức về y học phòng trừ dịch bệnh, ông đã nắm vững cách chăm sóc, phòng bệnh cho đàn heo trước mỗi đợt dịch bệnh. Vì thế, mỗi đợt heo sinh sản, các hộ lân cận đều đặt mua hết không đủ cung ứng.


Hiện tại, ông còn thử nghiệm nuôi thêm heo bò, một giống khá mới, siêu thịt, ít bệnh, được người tiêu dùng ưa chuộng hiện nay.


Ông Thêm cho biết, từ khi áp dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào chăn nuôi, heo tăng trưởng nhanh, ít mầm bệnh, tiết kiệm thời gian chăm sóc mà còn đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ông tiếp tục cho lai tạo giống và nuôi heo sinh sản, hiện trang trại của ông có 14 con heo nái.


Ngoài nuôi heo, vài năm trở lại đây, với 3 ha đất nuôi tôm công nghiệp, mỗi năm ông thu nhập khoảng 200 triệu đồng. Ông còn tận dụng phân heo làm hầm biogas và nuôi cá, tôm rất thành công. Xung quanh nhà ông trồng các loại cây ăn trái, xen kẽ là rau sạch phục vụ bữa ăn hằng ngày.
Ông Út Thêm tâm sự: “Những ai kiên trì, chịu khó, ham học hỏi, dám nghĩ dám làm đều có thể làm giàu được”.


Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Tân Ðức, người chứng kiến sự "ăn nên làm ra" của ông Út Thêm, cho biết: “Tuy đã khá giả nhưng ông Thêm vẫn cần mẫn lao động. Mỗi đợt có đoàn đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm, bí quyết trong chăn nuôi, ông chẳng giấu nghề mà nhiệt tình chia sẻ, chọn những con giống tốt để giúp người nuôi có thêm thu nhập".


Trang trại heo giống cùng với 3 ha tôm và mô hình VAC kết hợp, sau khi trừ hết chi phí, gia đình ông có được nguồn thu hơn 400 triệu đồng mỗi năm. Cuộc sống ổn định, các con ông đều được ăn học đến nơi đến chốn, gia đình ông là gia đình văn hoá tiêu biểu ở địa phương./.
 

(Theo Báo Cà Mau ngày 12/11/2016)




Tin cũ hơn: