Thứ Tư, 01/10/2014 09:08

 Giảm nghèo bền vững là mục tiêu chiến lược, là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội. Những mô hình phát triển sinh kế cho người nghèo, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số được triển khai trong những năm qua chính là giải pháp đầu tư thiết thực, tạo điều kiện để người dân phát triển kinh tế, giảm nghèo, cải thiện đời sống.

 

Từ bao đời nay, xóm Chăm ở ấp La Ma (xã Vĩnh Trường, An Phú) vẫn yên bình bên nhánh sông Hậu hiền hòa. Những thiếu nữ Chăm duyên dáng cùng đôi tay khéo léo cần mẫn dệt nên những tấm vải để may thành những chiếc khăn choàng, áo lễ, áo Krông… rất đẹp, mang đặc trưng văn hóa dân tộc mình. Trên căn nhà sàn nằm ven sông Hậu, tiếng máy may vẫn chạy đều đều. Mấy chị em người Chăm khéo léo chạy từng mũi chỉ trên nền vải màu để tạo hoa văn cho chiếc áo Krông. Chị Rohymah phấn khởi cho biết: “Từ khi được vay vốn 5 triệu đồng để mua máy may công nghiệp, cuộc sống gia đình ổn định hơn. Mỗi ngày, từ tiền may gia công, mình thu nhập thêm từ 150.000- 200.000 đồng, có tiền đi chợ, cho con ăn học và cả dành dụm nữa”.

 

Chị Rohymah là một trong những người được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện An Phú xét hỗ trợ vốn vay từ dự án “Thích ứng biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng”. Chị kể: “Mình biết may từ mấy chục năm nay, nhưng vì không có tiền mua máy phải mượn máy của người ta. Mượn hoài cũng ngại, mà người ta cũng phải may đồ nên ai cho mượn hoài được”. Từ khi được vay 5 triệu đồng, chị Rohymah mua 2 máy may công nghiệp để phát triển nghề. Nhờ tay nghề khéo léo, chị nhận thêm 3 người vào học may tại nhà mình. Với cách làm này, chị Rohymah không chỉ phát triển sinh kế gia đình, mà còn góp phần bảo tồn nghề truyền thống của đồng bào Chăm.

 

Cũng giống chị Rohymah, gia đình chị Salymah (ấp La Ma, xã Vĩnh Trường) được chọn nuôi thí điểm gà ta trên đệm lót sinh học. Chị được hỗ trợ vốn làm chuồng trại, đệm lót sinh học, thức ăn và mua 50 con gà con nuôi thí điểm, với chi phí khoảng 5 triệu đồng. Sau 4 tháng nuôi, gà đạt trọng lượng 1kg. Vì là mô hình trình diễn nên đây cũng là nơi tham quan, học tập kinh nghiệm cho người có nhu cầu chăn nuôi. Toàn bộ số tiền bán gà sẽ do gia đình chị Salymah quản lý. Nếu có nhu cầu nuôi tiếp tục, người dân (kể cả gia đình chị Salymah) phải làm hồ sơ đăng ký (điều kiện là hộ nghèo) và sẽ được xem xét giải ngân 5 triệu đồng/hộ. Chị Nguyễn Trung Hiếu, Chủ tịch Hội LHPN xã Vĩnh Trường, cho biết: “Thực hiện dự án “Thích ứng biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng”, toàn xã có 66 hộ nghèo được hỗ trợ vay vốn thực hiện các mô hình phát triển sinh kế, như: Trồng nấm rơm trong nhà, trồng rau mầm, nuôi gà ta trên đệm lót sinh học, may gia công, mua bán nhỏ… Bước đầu, các hộ gia đình đều có thu nhập, có hộ thu nhập 5- 6 triệu đồng/tháng”.

 

Thí điểm nuôi gà ta trên đệm lót sinh học ở nhà chị Salymah

 

Vĩnh Trường là một trong ba xã của huyện đầu nguồn An Phú (cùng với Đa Phước, Khánh Bình) được chọn thực hiện các mô hình của dự án “Thích ứng biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng”. Chị Nguyễn Thị Minh Thư, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện An Phú, cho biết: 190 hộ nghèo được hỗ trợ vay vốn phát triển sinh kế, trong đó, 124 hộ vay mua bán nhỏ và 66 hộ nuôi gà, trồng rau mầm- nấm rơm, may gia công… Mỗi hộ được vay từ 5- 8 triệu đồng, trả vốn 300.000 đến 500.000 đồng/tháng; hết chu kỳ 7 tháng nếu trả dứt điểm sẽ được làm hồ sơ tiếp tục đáo hạn. Đặc biệt, dự án có nhiều đồng bào Chăm tham gia và ưu tiên không tính lãi.

 

Việc hỗ trợ người nghèo thực hiện các mô hình sinh kế cộng đồng bước đầu có tác động đáng kể đến đời sống của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc Chăm, tạo điều kiện nâng cao kiến thức, kỹ thuật và áp dụng vào sản xuất có hiệu quả, góp phần giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

 

Theo Báo An Giang ngày 25/9/2014




Tin cũ hơn: