Thứ Sáu, 31/10/2014 10:31
Trang trại của chị Vi Thị Ngọc dân tộc Thái, ở bản Quảng, xã Nam Sơn, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) nằm trên một quả đồi chừng 6.000m2.
Chị Vi Thị Ngọc chăm sóc đàn lợn thịt thương phẩm
Chừng 20 năm trước, chị Ngọc bàn với chồng là anh Lương Văn Ánh - giáo viên tiểu học chọn một quả đồi hoang ở bản Quảng để lập nghiệp. “Hồi đó ở đây còn hoang vắng, ít người qua lại. Vợ chồng cực nhọc đào gốc bốc rễ, ngày làm việc 10 - 12 tiếng, nhiều hôm trăng sáng vợ chồng vẫn tranh thủ làm...” - chị Ngọc nhớ lại. Rồi anh Ánh lo việc trường việc lớp, trăm công nghìn việc ở trang trại đều do chị Ngọc một tay lo toan gánh vác. Mới đầu thì vỡ ruộng cấy lúa, trồng ngô để có cái ăn hàng ngày. Khi đủ lương thực rồi, chị vay ngân hàng để đầu tư phát triển chăn nuôi lợn gà, đào ao thả cá.
Với sự cần cù, chịu khó và đầu óc sáng tạo của người phụ nữ Thái, gia đình chị Ngọc thu nhận được những quả ngọt từ những lứa lợn, gà và cá. Cuộc sống của gia đình chị theo đó trở nên khấm khá hơn. Để mở rộng trang trại, chị Ngọc lặn lội đi tham quan các mô hình trang trại trong và ngoài tỉnh. Tìm đọc sách, báo, trong đó có báo Nông Thôn Ngày Nay về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, để tìm ra một mô hình sản xuất phù hợp với đất đai, khí hậu quê mình. Khi chăn nuôi có lãi, chị tiến thêm một bước là đầu tư mở rộng diện tích trồng rừng.
Nhờ những nỗ lực không mệt mỏi, từ hai bàn tay trắng, nay gia đình chị Ngọc đã có một trang trại trù phú gồm ao cá có diện tích mặt nước 1.000m2, 10 con bò, hàng trăm gà vịt và trồng được 6ha rừng keo kinh doanh. Chuồng lợn của chị thường xuyên có 150 - 180 con lợn thịt, 3 tháng xuất chuồng 1 lứa xấp xỉ 10 tấn lợn hơi. Mỗi năm, từ các nguồn thu từ chăn nuôi, trồng trọt và rừng kinh doanh, gia đình chị Ngọc có thu nhập ổn định 500 triệu đồng. Ngoài khoản tiền chi tiêu, mua sắm trong nhà, cấp cho 2 con đang học đại học, vợ chồng chị Ngọc còn trích một phần đóng góp quỹ từ thiện nhân đạo, hỗ trợ người nghèo, giúp đỡ những gia đình gặp tai nạn rủi ro...
Theo Dân Việt ngày 29/10/2014