Thứ Hai, 10/11/2014 09:59

Từ diện tích cấy lúa kém hiệu quả chuyển đổi sang mô hình chăn nuôi cá, vịt, đến nay, mỗi năm gia đình ông Mai Văn Đỉnh (sinh năm 1960) ở xã Yên Thành, huyện Yên Mô (Ninh Bình) thu về hàng trăm triệu đồng tiền lãi.

 

Tâm sự về quá trình gian truân làm kinh tế, ông Đỉnh nhớ lại: Năm 1983, ông xuất ngũ trở về lập nghiệp với 2 bàn tay trắng. Hai vợ chồng nhận cấy gần 3 mẫu ruộng, nhưng do giống kém, ruộng xấu, thời tiết lại thất thường nên gia đình thiếu đói triền miên. Sau nhiều đêm suy nghĩ, ông quyết đi khắp nơi học hỏi, cứ chỗ nào có mô hình cây, con hay là ông tìm đến.

 

Ông Đỉnh đang chăm sóc đàn vịt.

 

Sau nhiều tháng tìm hiểu, ông Đỉnh đã chọn được con vật nuôi phù hợp với địa hình vùng trũng quê mình. Năm 1987, vợ chồng ông quyết định đầu tư mua hơn 100 con vịt đẻ về nuôi, cùng với đó, ông nhờ anh em đào ao rồi mua cá về thả. “Ngay từ năm đầu tiên, cá, vịt nuôi đã cho thấy rất phù hợp với vùng đất này. Chỉ sau 1 năm, tôi đã có lãi, kinh tế gia đình bắt đầu khá lên từ đó” - ông Đỉnh kể lại.

 

Càng đầu tư vào nuôi lớn, ông Đỉnh càng thắng to, từ 100 vịt đẻ đến nay quy mô đàn vịt của gia đình đã tăng lên hàng vạn con gồm cả vịt đẻ, vịt thịt. Trung bình mỗi ngày, cơ sở của ông xuất bán hàng vạn quả trứng, cùng với đó là gần 2 mẫu ao nuôi cá cũng đem về cho ông gần 100 triệu đồng/năm.

 

Chia sẻ về thu nhập, ông Đỉnh cho hay: Nhờ chăn nuôi tốt, vịt, cá không bị dịch bệnh, trung bình mỗi năm trừ mọi chi phí, gia đình tôi cũng bỏ túi trên 300 triệu đồng.

 

Chia sẻ về kinh nghiệm chăn nuôi, ông Đỉnh cho biết: Chăn nuôi nói chung và nuôi gia cầm nói riêng, quan trọng nhất là khâu chọn giống và phòng dịch bệnh.

 

Theo Hội Nông Dân Việt Nam ngày 7/11/2014

 




Tin cũ hơn: