Thứ Ba, 02/12/2014 09:20
Mô hình chăn nuôi heo và gia cầm sử dụng phế phẩm nông nghiệp như trấu, mùn cưa, rơm… tạo ra quần thể vi sinh xử lý chất thải của vật nuôi đang được bà con nông dân trên địa bàn tỉnh áp dụng rộng rãi. Đây là phương pháp chăn nuôi trên đệm lót sinh học (ĐLSH) với nhiều yếu tố thuận lợi để người chăn nuôi giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Chăn nuôi heo trên đệm lót sinh học giúp vật nuôi khỏe mạnh, tiết kiệm chi phí và hạn chế ô nhiễm môi trường.
Giảm chi phí
Theo ông Vũ Ngọc Hoán, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Ba (huyện Châu Đức), sau 3 năm triển khai thí điểm, đến nay mô hình chăn nuôi heo, gà trên nền ĐLSH đã được nhân rộng.
Bà Lưu Thị Liên, ấp Bình Mỹ, xã Bình Ba cho biết, thông qua Hội Nông dân xã và tư vấn của HTX dịch vụ nông nghiệp Đồng Tâm, gia đình bà đã chuyển đổi việc chăn nuôi gà từ phương pháp truyền thống sang sử dụng ĐLSH. Theo đó, lứa đầu bà thả 1.000 con gà giống Bình Định, sau 3,5 tháng nuôi, thu hoạch từ đàn gà này cho lợi nhuận 10 triệu đồng. Lứa gà tiếp theo, gia đình bà Liên đã mạnh dạn thả 1.500 con gà, hiện đang xuất chuồng và ước thu lãi khoảng 20 triệu đồng.
Chị Nguyễn Thị Nhuần ở xã Bình Ba có hơn 10 năm chăn nuôi heo thịt và sinh sản với số lượng hàng năm trên 100 con heo thịt cũng chuyển đổi chuồng trại từ cách nuôi truyền thống sang sử dụng ĐLSH từ năm 2012. “Trong 3 đợt nuôi heo thịt đầu tiên, chúng tôi đã tăng khoảng 20% lợi nhuận so với phương pháp nuôi heo truyền thống. Tôi thấy cách làm và vận hành ĐLSH không phức tạp, các hộ chăn nuôi ở quy mô lớn hay nhỏ đều áp dụng được” - chị Nhuần cho biết.
Theo tính toán của các hộ chăn nuôi theo mô hình này, chi phí đầu tư ban đầu cho ĐLSH khoảng 70.000-80.000 đồng/m2 đệm, thời gian sử dụng được khoảng hơn 1 năm. “Với phương pháp này, một lao động có thể nuôi được từ 700-800 con heo thịt, trọng lượng cũng tăng 5% và tổng chi cho một con heo thịt giảm khoảng 400.000 đồng so với chăn nuôi thông thường” - chị Nguyễn Thị Nhuần khẳng định.
Trong chăn nuôi gà, lớp ĐLSH giúp giảm ô nhiễm mùi và phòng ngừa dịch bệnh.
Thân thiện với môi trường
Gia đình bà Bùi Thị Thơm, ấp Bình Mỹ, xã Bình Ba - một trong những hộ chăn nuôi gà áp dụng mô hình ĐLSH cho biết, trước đây, nuôi gà theo cách truyền thống rất ô nhiễm, nhà ở gần khu chăn nuôi lúc nào cũng chịu cảnh ruồi, muỗi bay đặc quánh, hàng xóm thì không chịu nổi. Sau 2 năm gia đình bà Thơm triển khai mô hình chăn nuôi ĐLSH với chi phí khoảng gần 2 triệu đồng cho việc mua trấu, cám gạo và men vi sinh, bây giờ khu chuồng chăn nuôi gà của gia đình bà không còn mùi hôi, không ruồi nhặng, tỷ lệ gà hao hụt rất ít, chỉ khoảng 5-10 con/1.000 con gà.
Nói về vấn đề môi trường, chị Nguyễn Thị Nhuần cho biết qua 1 năm triển khai, mô hình đã giúp gia đình chị giảm công vệ sinh chuồng trại hàng ngày; giảm chi phí phòng trừ bệnh cho heo, nhất là đối với heo con. Heo không bị thối bàn chân hoặc què chân, lông da bóng mượt và sạch, hạn chế được tình trạng ô nhiễm môi trường (mùi hôi, ruồi, muỗi…). Ngoài ra, việc chăn nuôi theo phương pháp ĐLSH giảm được 60% công lao động ở khâu dọn vệ sinh, tắm heo và rửa chuồng; giảm bệnh tật cho heo… Còn theo anh Vũ Ngọc Bích, chủ trại heo giống Trang Linh tại xã Xuyên Mộc (huyện Xuyên Mộc) bước đầu thành công với mô hình này cho biết, tổng diện tích chuồng nuôi của Trang Linh là 7.000m2, nuôi gần 3.000 heo giống. Phương pháp nuôi trên ĐLSH được áp dụng từ năm 2012. Với phương pháp này, nền chuồng được làm ấm nên bệnh tiêu chảy giảm từ 70% còn 10% so với trước. Nuôi heo nái trên nền ĐLSH giúp tiết kiệm điện, nước, công nhân, hạn chế tối đa ruồi muỗi và mùi hôi.
Chất thải vật nuôi phần lớn hiện đang được xử lý thông qua biện pháp ủ làm phân, hầm biogas, ao sinh học… Tuy nhiên, các phương pháp truyền thống này chưa thể giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường. Theo đánh giá của thạc sĩ Lê Chí Cường, cán bộ Trung tâm nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh, việc áp dụng chăn nuôi gia súc, gia cầm trên nền ĐLSH có tác dụng giảm mùi hôi từ chất thải và hô hấp cũng như tăng cường sức đề kháng của vật nuôi.
Theo Báo Bà Rịa Vũng Tàu ngày 02/12/2014