Thứ Năm, 24/11/2016 09:50

Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn đang phối hợp với Đồng Nai giải quyết nhanh các thủ tục để Công ty TNHH Koyu & Unitek (Khu công nghiệp Long Bình, TP.Biên Hòa) có thể xuất khẩu ức gà sang thị trường Nhật Bản vào đầu năm 2017. Nếu thành công, đây sẽ là doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam xuất khẩu thịt gà ra nước ngoài.

 

Ảnh minh họa (nguồn Internet)

 

Theo Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai (Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn), đến đầu tháng 11-2016 Cục Thú y Việt Nam và Cục Thú y Nhật Bản đã đàm phán xong việc thống nhất các quy định để đưa thịt gà của Việt Nam vào thị trường Nhật Bản. Do đó, trong tháng 11 này, Cục Thú y Việt Nam sẽ tới Đồng Nai hướng dẫn các quy trình chăn nuôi theo chuỗi khép kín từ con giống đến khâu giết mổ bảo quản cho các trang trại tham gia vào chuỗi để xuất khẩu hàng sang Nhật Bản.

 

Nhật Bản sẽ nhập ức gà

Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ Lê Văn Quyết cho biết hiệp hội đã hình thành được chuỗi liên kết sản xuất an toàn từ khâu giống, thức ăn đến giết mổ, tiêu thụ với sản lượng lớn để sẵn sàng đáp ứng khi sản phẩm gia cầm nội địa có cơ hội tham gia thị trường xuất khẩu. Người chăn nuôi tiếp tục cải tiến quy trình sản xuất để giảm giá thành chăn nuôi tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm gia cầm ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu.

 

Thông tin từ đại diện Công ty TNHH Koyu & Unitek, trước tiên phía đối tác Nhật Bản sẽ nhập khẩu ức gà, phần thịt được nhiều người tiêu dùng của Nhật Bản ưa chuộng. Thịt gà của Việt Nam nếu làm theo quy trình khép kín an toàn từ khâu chọn con giống ông bà, khâu chăn nuôi, giết mổ đến bảo quản chất lượng thì được đánh giá là sẽ không thua kém gì các nước có nền chăn nuôi phát triển khác trên thế giới. Hiện các thủ tục cơ bản đã hoàn thành, Công ty TNHH Koyu & Unitek đang tiến hành xây dựng nhà máy chế biến trong Khu công nghiệp Long Bình theo đúng chuẩn của đối tác. Dự kiến đầu năm 2017, công ty bắt đầu xuất khẩu ức gà sang Nhật Bản với số lượng 300 tấn/tháng, sau đó số lượng có thể sẽ tăng thêm.

 

Ông Nguyễn Minh Kha, chủ trang trại gà tại huyện Long Thành, đơn vị có tham gia vào chuỗi xuất khẩu nói trên, chia sẻ: “Dự kiến vào tháng 4-2017, những lô hàng thịt gà đầu tiên sẽ được xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản. Hiện Cục Thú y đã có hẹn cử đoàn cán bộ về tận trang trại, kiểm tra, hướng dẫn chúng tôi chuẩn hóa về quy trình chăn nuôi tuân thủ các yêu cầu vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm theo chuẩn thế giới”. Ông Kha cho biết thêm từ hơn 2 năm nay, trang trại của ông đã liên kết với doanh nghiệp do Nhật Bản đầu tư xây dựng quy trình chăn nuôi theo yêu cầu của thị trường này và hiện chỉ chờ đến thời điểm đưa hàng đi xuất khẩu.

 

Ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai, phân tích: “Thị trường Nhật Bản có hơn 100 triệu dân, nếu xuất khẩu thịt gà vào được Nhật Bản sẽ là tiền đề tốt để các doanh nghiệp khác mở rộng xuất khẩu vào thị trường này cũng như các thị trường khác. Quy định về an toàn thực phẩm của Nhật Bản rất gắt gao nên các doanh nghiệp xuất khẩu gà vào được thị trường này cũng đồng nghĩa với việc có đủ khả năng xuất khẩu vào những thị trường khác”.

 

Lâu nay, trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi heo, gà tại Việt Nam mới chỉ tập trung làm sao đủ sức cạnh tranh với hàng nhập khẩu, vẫn còn rất ít doanh nghiệp nghĩ đến việc sẽ xuất khẩu. “Rào cản lớn nhất với thịt gà của Đồng Nai là dịch bệnh và an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhưng những vấn đề này có thể cải thiện được nếu các trang trại, doanh nghiệp liên kết tạo thành chuỗi khép kín và áp dụng các chương trình an toàn dịch bệnh. Ức gà là phần được người tiêu dùng nhiều nước thích, song ở Việt Nam lại không. Vì thế, chúng ta có thể xuất khẩu ức gà giá cao và bán các phần còn lại giá thấp sẽ không lo kém cạnh tranh hơn hàng nhập khẩu” - ông Quang bày tỏ.

 

Mở ra nhiều cơ hội

Cuối tháng 10-2016, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn Vũ Văn Tám đã làm việc với tỉnh Đồng Nai và Công ty TNHH Koyu & Unitek nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về chính sách để giúp doanh nghiệp sớm xuất khẩu gà vào thị trường Nhật Bản. Đây là doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam ký kết được hợp đồng và đang hoàn thành thủ tục để xuất khẩu ức gà ra nước ngoài. Sau doanh nghiệp trên, những doanh nghiệp khác muốn xuất khẩu gà ra nước ngoài cũng thuận lợi hơn bởi chính quyền và các cơ quan quản lý đã có kinh nghiệm hơn trong việc hỗ trợ, đề xuất các chính sách để mở rộng thị trường xuất khẩu. Có thể sau con gà, các doanh nghiệp có thể xuất khẩu thịt theo đường chính ngạch vào các nước.

 

Thông tin gà Đồng Nai có thể xuất khẩu vào Nhật Bản khiến nhiều người chăn nuôi háo hức, tham gia thị trường xuất khẩu là cơ hội tốt để tăng sức cạnh tranh cho gà công nghiệp. Trong đó, gà nội địa có thể được đầu tư ở khâu sơ chế, chế biến để tập trung xuất khẩu những dòng sản phẩm như ức gà là mặt hàng có giá cao vì được người tiêu dùng tại nhiều nước chuộng.

 

Ông Lê Văn Quyết, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ, nhận xét yêu cầu sản phẩm thịt gà an toàn để xuất khẩu khá khắt khe phải đảm bảo từ khâu con giống, thức ăn đến quy trình chăn nuôi, giết mổ, chế biến. Các trang trại chăn nuôi quy mô lớn tại vùng Đông Nam bộ đều có điều kiện tốt để thực hiện quy trình chăn nuôi theo tiêu chuẩn thị trường xuất khẩu.

 

(Theo Báo Đồng Nai ngày 23/11/2016)




Tin cũ hơn: