Thứ Hai, 04/12/2017 09:42
Nuôi gà trên cát là hình thức chăn nuôi được người dân vùng biển thực hiện từ lâu đời bởi rất phù hợp và hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, trước đây người dân vùng biển chỉ chú trọng phát triển nghề biển mà ít quan tâm phát triển nông nghiệp nên mô hình chăn nuôi này ít phát triển, người dân chỉ chăn nuôi đủ làm thực phẩm chứ không phát triển thành sản xuất hàng hóa tạo nguồn thu nhập. Từ lúc xảy ra sự cố ô nhiễm môi trường biển, người dân các xã ven biển chuyển đổi sinh kế, trong đó có phát triển nông nghiệp thì mô hình chăn nuôi gà thả vườn trên cát tỏ ra hiệu quả hơn bởi kỹ thuật nuôi đơn giản và sản phẩm thịt gà hơi dễ tiêu thụ lại bán được giá nên mang lại thu nhập khá ổn định cho người dân.
Nuôi gà thả vườn trên vùng cát
Gia đình chị Lê Thị Khánh Hằng, thôn Bắc Sơn, xã Trung Giang, Gio Linh, Quảng Trị sau sự cố môi trường đã chuyển sang nuôi gà trên cát. Do vốn ít nên chị Hằng bắt đầu từ số lượng nhỏ. Với khoảng 70 con gà thả vườn trên cát, hàng ngày chị Hằng cũng có thu nhập đáng kể từ việc bán trứng, bán gà thịt. Chị Hằng cho biết: “Vùng cát nuôi gà rất hợp vệ sinh. Gà vốn rất thích cát nên nuôi gà trên cát ít dịch bệnh, nhanh lớn lại sạch sẽ. Gia đình tôi mới bắt đầu nuôi vài chục con nhưng tiêm phòng đầy đủ nên đảm bảo an toàn dịch bệnh. Nguồn thức ăn thường xuyên được bổ sung thêm các loại cá vụn nên gà đẻ nhiều, trứng to, gia đình cũng có thu nhập từ việc nuôi gà để phụ thêm khi thu nhập từ biển giảm sút. Hiện nay, gia đình tôi còn nhiều khó khăn về vốn nên khó phát triển được đàn. Hơn nữa, vùng cát trồng trọt ít phát triển nên không có sản phẩm phụ để tận dụng làm thức ăn cho gà, hầu hết thức ăn đều mua nên chi phí thức ăn cho gà nhiều”.
Theo chị Hằng, mặc dù chi phí thức ăn cho gà cao hơn các vùng đồng bằng nhưng nuôi gà trên cát ở vùng biển vẫn có lãi hơn nuôi một số gia súc, gia cầm khác vì giá gà ta cao mà đầu ra lại ổn định. Nếu có vốn đầu tư nuôi ở quy mô lớn, chăm sóc đúng kỹ thuật đảm bảo không xảy ra dịch bệnh thì nuôi gà trên cát mang lại thu nhập cao. Chính vì thế nên sau sự cố ô nhiễm môi trường biển, nhiều hộ dân ở xã Trung Giang nói riêng và các xã ven biển nói chung chuyển đổi sang chăn nuôi, trong đó chú trọng nuôi gà nhằm nâng cao thu nhập.
Lợi thế của vùng cát là dễ thoát nước, dễ phân hủy các chất thải nên rất phù hợp để phát triển chăn nuôi, trong đó có nuôi gà. Kỹ thuật nuôi và phòng chống dịch bệnh cho gà thả vườn trên cát cũng giống như nuôi gà ở các vùng, miền khác, thậm chí còn đơn giản hơn vì dễ chăm sóc hơn. Nhưng đáng quan tâm hơn là nguồn thức ăn vì vùng này thường khan hiếm thức ăn. Trong khi đó yêu cầu chăn nuôi gà thả vườn bán được giá thì phải hạn chế cho ăn các loại thức ăn công nghiệp. Để nuôi gà thả vườn trên cát đạt giá trị kinh tế cao thì người chăn nuôi phải cho gà ăn các loại lúa, ngô, khoai, sắn ở dạng thô. Gà phải được thả chạy trong khu vườn rộng để tạo độ săn chắc cho thịt gà.
Do vùng biển có gió lùa mạnh về mùa đông và nắng nóng về mùa hè nên đối với việc xây chuồng trại cho gà ở vùng biển phải đảm bảo kín gió, ấm về mùa đông nhưng vẫn thoáng mát để dễ tản nhiệt về mùa hè, có vườn rộng được bao lưới hoặc không bao lưới xung quanh. Con giống phải được lựa chọn kỹ càng, cần thực hiện tiêm phòng các loại dịch bệnh đầy đủ và thường xuyên vệ sinh chuồng trại.
Hiện nay, ở quy mô hộ gia đình thì hầu hết hộ dân ở vùng biển đều có nuôi gà. Tuy nhiên, nuôi ở quy mô lớn thì chưa nhiều. Do đó, chính quyền địa phương cần quan tâm hơn nữa trong việc xây dựng các mô hình điểm để người dân có thể học hỏi và tự nhân rộng. Ông Bùi Quang Miêng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Trung Giang, huyện Gio Linh cho biết: “Chủ trương của xã là vận động người dân mở rộng phát triển chăn nuôi. Xã cũng đã quy hoạch khu chăn nuôi tập trung và khuyến khích người dân chăn nuôi theo mô hình trang trại, gia trại. Tuy nhiên, thời gian gần đây, đầu ra sản phẩm chăn nuôi còn bấp bênh nên người dân chưa mạnh dạn đầu tư. Riêng chăn nuôi gà thì trên địa bàn xã có nhiều hộ nuôi nhưng quy mô chưa lớn lắm do người dân thiếu vốn đầu tư. Xã sẽ tiếp tục vận động người dân mở rộng chăn nuôi, trong đó có nuôi gà phát triển đi từ quy mô nhỏ mà lên để tạo được nguồn thu nhập ổn định bên cạnh phát triển nghề biển”.
Trong điều kiện không có nhiều quỹ đất để phát triển trồng trọt quy mô lớn thì việc mở rộng chăn nuôi là hướng đi tốt để phát triển sinh kế bền vững của ngư dân. Hiện nay, khi giá nhiều loại con nuôi bị giảm như bò, lợn, thì với sự ổn định thị trường đầu ra về giá cả lẫn sản lượng và kỹ thuật chăm sóc không khó, nuôi gà thả vườn là sự lựa chọn tốt để phát triển hộ kinh tế gia đình vùng biển bên cạnh sự phát triển kinh tế biển một cách bền vững.
(Võ Thái Hòa/ Báo Quảng Trị ngày 30/11/2017)