Thứ Tư, 01/10/2014 09:26
Mỗi con lợn nái ngoại đều có mã số. Việc điều chỉnh chế độ ăn, sử dụng các biện pháp thú y hay dự tính ngày, giờ sinh, tình trạng sức khỏe của 1 con lợn trong ngày hôm sau đều dựa vào các thông số phân tích trên máy tính...
Năm 1997, anh Nguyễn Văn Đẩu, phường Đồng Nguyên, thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh) là một trong những nông dân (ND) đầu tiên của miền Bắc mạnh dạn thuê mặt bằng, vay vốn ngân hàng đầu tư xây dựng trại nuôi lợn quy mô công nghiệp với 120 đầu lợn nái, 20 lợn đực giống và 500 đầu lợn thịt.
Anh Đẩu cũng là ND đầu tiên của tỉnh Bắc Ninh mạnh dạn nhập khẩu đàn lợn giống gốc siêu nạc dòng ông bà từ Canada về Việt Nam với giá mỗi con lên tới 3.500 USD. Từ khu trại ban đầu với diện tích 1,2ha ở phường Đồng Nguyên, đến nay anh Đẩu đã phát triển thêm 1 trại nuôi lợn công nghiệp rộng 4,5ha ở huyện Thuận Thành.
Anh Nguyễn Văn Đẩu (trái) giới thiệu về hệ thống cho ăn tự động lắp đặt trong trại lợn nái.
Ông Nguyễn Văn Được, Chủ tịch Hội ND thị xã Từ Sơn khẳng định, qua theo dõi phong trào ND thi đua sản xuất kinh doanh giỏi thì ở Bắc Ninh hiếm có ND nào kiên trì theo nghề như anh Đẩu bởi chăn nuôi là lĩnh vực đầu tư rủi ro. Chăn nuôi quy mô nhỏ thì không có lợi nhuận và gần như đã bỏ hẳn, còn chăn nuôi quy mô lớn thì bấp bênh bởi rủi ro dịch bệnh và thị trường.
Chia sẻ những vấn đề này, anh Đẩu cho biết: “Rủi ro thị trường thì hiện nay chưa chủ trang trại nào tránh được, kể cả làm lớn như gia đình tôi. Còn rủi ro về dịch bệnh thì các chủ trang trại chỉ còn cách khắc phục, phòng ngừa bằng kiến thức và đầu tư hiện đại hóa chăn nuôi.
Ngoài các nhân viên kỹ thuật làm trại lợn, bản thân tôi cũng từng qua lớp trung cấp thú y, học hỏi kinh nghiệm từ các trại lợn lớn trong và ngoài nước…”
Một trong những yếu tố giảm chi phí, tăng hiệu quả, lợi nhuận ở trại lợn của gia đình là anh Đẩu đã liên tục mạnh dạn đầu tư hiện đại hóa công nghệ chăn nuôi một cách đồng bộ. Mỗi đàn lợn đều có quy trình chăm sóc riêng, từ đàn lợn hậu bị, đàn lợn đang mang thai, đàn lợn đã đẻ.
"Mỗi con lợn nái ngoại đều có mã số, các họat động chăm sóc trong 1 ngày đối với con lợn đó đều được tính toán, theo dõi trên máy vi tính. Việc điều chỉnh chế độ ăn, sử dụng các biện pháp thú y hay dự tính ngày, giờ sinh, tình trạng sức khỏe của 1 con lợn trong ngày hôm sau đều dựa vào các thông số phân tích trên máy tính", anh Đẩu chia sẻ.
Đầu năm 2014, anh Đẩu vừa nhập khẩu và lắp đặt hệ thống dây chuyền cho ăn tự động. Trong lĩnh vực chăn nuôi lợn, có rất ít trang trại trên cả nước dám đầu tư hệ thống này. Hiện nay, trang trại của gia đình anh Đẩu đang có quy mô nuôi 900 lợn nái ngoại, 30 lợn đực và 4.000 lợn thịt thương phẩm. Doanh thu của gia đình anh Đẩu năm 2013 đạt 80 tỷ đồng.
Theo Hội Nông Dân Việt Nam ngày 29/9/2014