Thứ Tư, 23/07/2014 00:00

Sáng 22/7, Cục thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với các Sở Khoa học và Công nghệ TP Đà Nẵng, TP Cần Thơ tổ chức hội thảo trực tuyến Công nghệ đệm lót sinh học trong chăn nuôi và xử lý môi trường nông thôn.

 

Hội thảo giới thiệu về công nghệ đệm lót sinh học

 

Hội thảo được tổ chức nhằm thúc đẩy hợp tác và chuyển giao các công nghệ nội sinh đã đoạt Cúp vàng của các kỳ Techmart, đồng thời hỗ trợ các ban, ngành, các trung tâm, trạm khuyến nông và các doanh nghiệp, các chủ trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản tiếp cận các công nghệ sinh học mới. Hội thảo đã nghe giới thiệu thông tin thị trường và công nghệ chăn nuôi trong nước và quốc tế; một số kiến thức cơ bản về vi sinh vật và công nghệ xử lý môi trường nông thôn. Đặc biệt, đại biểu dự hội thảo được nghe giới thiệu về công nghệ đệm lót sinh học trong chăn nuôi, mô hình, phương thức triển khai cũng như một số kết quả thí điểm bước đầu tại một số địa phương ở nước ta như Hà Nam, Bắc Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ.

 

Theo thông tin tại Hội thảo, ứng dụng hệ vi sinh vật để làm đệm lót sinh học trong chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng mới được áp dụng ở một số nước trong đó có Việt Nam. Quy trình chung tương đồng ở các nước là sử dụng môi trường lên men được làm từ các vật liệu có hàm lượng xenluloza cao như mùn cưa, trấu… để cho hệ vi sinh vật hoạt động hiệu quả thông qua quá trình phân hủy chất hữu cơ. Thành phần, số lượng và chất lượng các chủng vi sinh vật có sự khác biệt tùy thuộc vào từng nước, từng sản phẩm, đối tượng vật nuôi.


Việc áp dụng quy trình sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi lợn mang lại một số lợi ích như góp phần giảm chi phí sản xuất thông qua tiết kiệm được sức lao động, không phải tắm cho lợn, rửa chuồng, giảm thức ăn chăn nuôi; tăng cường sức đề kháng cho lợn, tăng trưởng tốt, tăng chất lượng thịt, hạn chế dịch bệnh; xử lý triệt để chất thải từ chăn nuôi lợn, phù hợp với quy mô nông hộ; áp dụng đơn giản, giá phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cho cơ sở chăn nuôi. Đồng thời, góp phần bảo vệ môi trường một cách bền vững. Tuy nhiên, công nghệ này cũng còn một số mặt hạn chế cần được tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện để có thể áp dụng rộng rãi trong chăn nuôi.

 

 

Theo Website Đại biểu nhân dân ngày 23/7/2014




Tin cũ hơn: